TRƯỜNG CHUYÊN VĂN TOÁN THỊ XÃ QUẢNG NGÃI (1983 – 1990) Chiếc nôi ươm mầm tài năng đầu tiên của quê hương Núi Ấn Sông Trà

Lượt xem:

Đọc bài viết

TRƯỜNG CHUYÊN VĂN TOÁN

THỊ XÃ QUẢNG NGÃI (1983 – 1990)

Chiếc nôi ươm mầm tài năng đầu tiên của quê hương Núi Ấn Sông Trà

THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG CHUYÊN VĂN TOÁN

THỊ XÃ QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 1983 – 1986

Thầy Nguyễn Đông Hải (Q. Hiệu trưởng)

Theo đề nghị của ông Nguyễn Ngọc Sạn (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Quảng Ngãi), ngày 16 tháng 9 năm 1983, Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Ngãi đã có Quyết định số 135/QĐ-TC về việc thành lập trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi và bổ nhiệm Ban giám hiệu.

Thầy Nguyễn Đông Hải (Q. Hiệu trưởng)

I/ BAN GIÁM HIỆU: Gồm 3 đồng chí

1- Ông: Nguyễn Đông Hải     – Q. Hiệu trưởng

2- Bà: Phạm Thị Thu Hương – Hiệu phó

3- Bà: Huỳnh Thị Minh Tâm – Hiệu phó

Trường Chuyên văn Toán thị xã Quảng Ngãi (99 – ĐL Hùng Vương) là trường Chuyên đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.

II/ GIÁO VIÊN – NHÂN VIÊN:

Trường có 23 giáo viên, nhân viên và phần nhiều là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của thị xã Quảng Ngãi, cụ thể:

– Môn TOÁN: Thầy Phan Ngọc Thảo (Tổ trưởng tự nhiên), thầy Phan Dân, thầy Trương Văn Hưỡn, thầy Đoàn Hiển, thầy Phạm Mậu Kỳ, cô Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, cô Nguyễn Thị Kim Thanh.

– Môn VẬT LÝ: Thầy Trần Quang Thiệu

– Môn HÓA – SINH: Cô Phạm Thị Ánh

– Môn KỸ THUẬT: Thầy Phan Đình Bích

– Môn VĂN: Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cô Nguyễn Thị Tuyết Quỳnh, thầy Nguyễn Minh Anh, cô Huỳnh Thị Kim Anh, cô Lê Thị Bích Hoa.

– Môn SỬ – ĐỊA: cô Phạm Thị Ngọc Hoa

– Môn TIẾNG ANH: cô Nguyễn Thị Thu Ba, cô Mai Thị Hạ.

– Môn TIẾNG NGA: cô Vũ Thị Thu Thủy, cô Trần Thị Thanh Thủy

– NHÂN VIÊN: cô Hà Thị Hòa (Thư viện), cô Nguyễn Thị Thanh Tâm (Kế toán – Văn thư), cô Nguyễn Thị Ba (Bảo vệ – Phục vụ).

– Bí thư chi bộ: cô Huỳnh Thị Minh Tâm.

– Chủ tịch công đoàn: cô Nguyễn Thị Kim Thanh

– Bí thư chi đoàn: thầy Trương Văn Hưỡn

– Tổng phụ trách đội: cô Phạm Thị Ngọc Hoa

III/ LỚP HỌC SINH:

* Năm học 1983 – 1984:   6 lớp – 170 học sinh

– Khối 9:     9T: 30 học sinh

– Khối 8:     8T: 30 học sinh;    8V: 25 học sinh

– Khối 7:     7T: 30 học sinh

– Khối 6:     6T: 30 học sinh;    6V: 25 học sinh

* Năm học 1984 – 1985:   7 lớp – 190 học sinh

– Khối 9:     9T: 30 học sinh    9V: 25 học sinh

– Khối 8:     8T: 30 học sinh;

– Khối 7:     7T: 30 học sinh ;   7V: 20 học sinh

– Khối 6:     6T: 30 học sinh;    6V: 25 học sinh

* Năm học 1985 – 1986:   7 lớp – 185 học sinh

– Khối 9:     9T: 30 học sinh

– Khối 8:     8T: 30 học sinh;    8V: 15 học sinh

(HK 2 giải tán)

– Khối 7:     7T: 30 học sinh ;   7V: 25 học sinh

– Khối 6:     6T: 30 học sinh;    6V: 25 học sinh

IV/ CƠ SỞ VẬT CHẤT:

Những năm đầu trường có nhiếu khó khăn nên phải sử dụng và cải tạo cơ sở vật chất của Trường Bổ túc Văn hóa thị xã Quảng Ngãi (hiện nay là cơ quan Phòng GD-ĐT thành phố Quảng Ngãi – 99 Hùng Vương). Trường có 08 phòng, trong đó có 06 phòng học, 01 phòng thư viện và 01 phòng dùng cho cả văn phòng, phòng Ban giám hiệu, phòng Hội đồng giáo viên.

V/ TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP CỦA THẦY VÀ TRÒ:

Khi mới thành lập trường, đội ngũ giáo viên được đào tạo từ nhiều nguồn và nhiều hệ, do vậy vấn đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đạt trình độ đại học là nhiệm vụ quan trọng được nhà trường rất quan tâm. Trường đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn luyện, phong trào giúp đỡ đồng nghiệp và sắp xếp cho giáo viên đi học chuyên tu, hàm thụ đại học. Ở thời điểm ấy, Ban giám hiệu sắp xếp cho 5 giáo viên đi học Đại học Sư phạm Qui Nhơn là một cố gắng rất lớn của nhà trường. Chính kết quả các biện pháp này, đã nâng dần chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Đây là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng của của nhà trường.

Đời sống của các thầy cô giáo thời bao cấp lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, lương bổng quá ít nhưng các thầy cô giáo rất tận tụy với nghề, rất thương yêu học sinh, ngày đêm dồn hết tâm trí dạy dỗ cho học sinh giỏi đạt kết quả cao trong từng năm học và trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tiêu biểu như: cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thầy Phan Ngọc Thảo, thầy Nguyễn Minh Anh, thầy Đoàn Hiển, thầy Phan Dân, thầy Trương Văn Hưỡn, cô Nguyễn Thị Tuyết Quỳnh, …

Các học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia của những năm đầu mới thành lập trường có thể kế như: Trương Văn Hiệu, Hồ Ngọc Trung, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Trường Hải, Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thái Chấn, Nguyễn Duy Uyên, Nguyễn Thị Mây Hồng, Hà Thái Sơn, Trần Thị Minh Hằng, Trần Thị Mai Đào, …

– Việc giáo dục toàn diện cho học sinh được nhà trường rất chú trọng, nhất là tổ chức nhiều hoạt động tập thể, như phong trào đố vui để học, cũng như các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tham gia các hoạt động phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, về đất nước và con người Việt Nam. Về Văn thể mỹ và các cuộc thi khác, trường đã tích cực tham gia và đạt kết quả cao. Ấn tượng nhất phải kể đến em Trần Thị Cam Ly (lớp 8 Toán) kể chuyện rất hay. Bên cạnh đó còn có em Phan Ngọc Thiên (lớp 8 toán) biểu diễn kịch câm như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, …

Kết quả thi đua hàng năm trường luôn đạt danh hiệu TIÊN TIẾN XUẤT SẮC và được nhận nhiều giấy khen của UBND thị xã Quảng Ngãi, Sở Giáo dục – Đào tạo Quảng Ngãi và bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Thời gian này thầy và trò trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi đã vượt qua những khó khăn gian khổ để xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp của mình, đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống hiếu học, kính thầy mến bạn, dạy tốt – học tốt. Điều đặc biệt đáng tự hào của trường Chuyên Văn Toán trong những năm qua là đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh mà nay họ có mặt trên khắp mọi miền tổ quốc và quốc tế, ra sức đóng góp công sức và trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ đất nước. Ngày nay trong các thể hệ học sinh trường Chuyên Văn Toán nhiều người đã trưởng thành, trở thành các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà doanh nghiệp, sĩ quan quân đội, … và giữ các chức vụ, cương vị khác nhau trong bộ máy lãnh đạo của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể …

Đặc biệt có các thầy cô giáo như thầy Phan Ngọc Thảo, thầy Phan Dân, thầy Trương Văn Hưỡn, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cô Nguyễn Thị Ngọc Hiệp được dạy ở trường Chuyên cấp 2 – 3 tỉnh Quảng Ngãi (Năm học 1990 – đến năm 1993) và sau đó lại tiếp tục dạy ở trường THPT Chuyên Lê Khiết (Năm học 1993 – 1994 cho đến nay).

Khi xưa các em mới vào trường, tóc các thầy cô vẫn còn xanh. Hôm nay các em đã trưởng thành, tóc thầy cô giáo đã bạc, hầu hết các thầy cô giáo đã nghỉ hưu và cũng có những thầy cô giáo đã đi xa không về như : thầy Nguyễn Minh Anh, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, thầy Trần Quang Thiệu, cô Huỳnh Thị Kim Anh.

Thời gian qua đi nhưng tình đồng nghệp, tình thầy trò, tình bè bạn sẽ mãi đọng lại trong mỗi chúng ta.

Chúng ta cảm ơn sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo của ngành và sự đóng góp, ủng hộ của phụ huynh về vật chất và tinh thần trong mọi hoạt động của nhà trường.

VI/ NHỮNG TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU:

1- Cô NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (Tổ trưởng chuyên môn)

– Trước năm 1975, mình là cựu học sinh Trần Quốc Tuấn, có cô giáo cũ là cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt (dạy văn lớp đệ lục) đã truyền lửa và gieo mầm cho mình say mê nghề dạy học từ đó.

 – Sau năm 1975, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt về dạy tại trường cấp II số 1 thị xã Quảng Ngãi (nay là trường THCS Trần Hưng Đạo), còn mình làm công tác quản lý ở các trường cấp II huyện Bình Sơn.

 – Năm học 1983 – 1984, thật có duyên là hai cô trò chúng tôi cùng chuyển về công tác tại trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi, mình làm Hiệu trưởng và cô làm Tổ trưởng chuyên môn, nhưng mình luôn tôn trọng và quý mến cô như ngày nào.

 – Mãi sau này cô chuyển lên dạy ở trường chuyên cấp 2-3, sau đó dạy tiếp ở trường THPT Chuyên Lê Khiết cho đến ngày cô về hưu (năm 2009). Trước khi về hưu cô được phong tặng danh hiệu cao quý «NHÀ GIÁO ƯU TÚ », sau đó cô bị bệnh mất năm 2017.

2- Thầy NGUYỄN ĐÔNG HẢI (Q.HIỆU TRƯỞNG)

– Trong 3 năm đầu thành lập trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi (1983 – 1986), tuy có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng được sự quan tâm của Phòng GD-ĐT, sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh, mình đã xây dựng được tinh thần đoàn kết của thầy và trò, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy tốt – học tốt, nên trường đã đạt thành tích cao trong mọi hoạt động và được các cấp khen thưởng.

– Sau 3 năm làm công tác quản lý ở trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi, mình được chuyển về làm Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo và nghỉ hưu năm 2014. Trước khi nghỉ hưu mình được UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen và danh hiệu CHIẾN SĨ THI ĐUA CẤP TỈNH năm 1999 và cũng được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi khen thưởng và đã được tôn vinh «NHÀ GIÁO ĐƯỢC HỌC SINH YÊU QUÝ NHẤT TỈNH QUẢNG NGÃI» (năm học 2010 – 2011).

3- Em NGUYỄN VĂN ĐẠT (HS lớp 8 chuyên Toán năm học 1983-1984)

Hiện nay em Nguyễn Văn Đạt là Tổng giám đốc Công ty bất động sản Phát Đạt – Một doanh nhân thành đạt có nhiều đóng góp cho xã hội …

Nói đến em Đạt – Công ty Phát Đạt là rất nhiều người biết, Công ty của em Đạt đã tạo nhiều công ăn việc làm, đóng thuế nhiều giúp xây dựng đất nước. Ngoài ra em Đạt và Công ty Phát Đạt có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội rất có ý nghĩa nói chung, nói riêng thì em Đạt là cá nhân đóng góp rất nhiều cho sự kiện liên quan đến thầy cô và các trường Chuyên Văn Toán, trường THPT Trần Quốc Tuấn và trường THPT Chuyên Lê Khiết, cụ thể :

+ Năm 2017 em Nguyễn Văn Đạt đã sáng lập ra quỹ «MÁI TRƯỜNG XƯA» và cá nhân em đạt đã tài trợ 2 tỉ đồng làm quỹ để trợ cấp cho những thầy cô giáo đã nghỉ hưu của 3 trường: Chuyên Văn Toán, Trần Quốc Tuấn và Chuyên Lê Khiết, khi thầy cô ốm đau nặng, hoàn cảnh đặt biệt khó khăn, hoặc qua đời và chi cho những lần họp mặt kỷ niệm «NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11» và ra mắt quỹ «MÁI TRƯỜNG XƯA». Số tiền này đã gửi tiết kiệm và lấy tiền lãi hàng năm để chi. Nhờ có cựu học sinh của ba trường đồng tài trợ nên số tiền quỹ Mái Trường Xưa hiện nay lên đến 2,4 tỉ đồng. Ngoài ra, vào dịp 20/11 hàng năm, em Đạt đều tặng quà cho các thầy cô giáo đã nghỉ hưu của ba trường, số tiền này lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi năm.

+ Đặc biệt là em Nguyễn Văn Đạt đã tài trợ kinh phí và tổ chức cho thầy cô giáo (cùng phu nhân, phu quân) của trường Chuyên Văn Toán đi nghỉ dưỡng tại Đà Lạt (năm 2022) và tại Cam Ranh (năm 2024) với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Điều đáng quý là ngoài việc hỗ trợ kinh phí, em Đạt còn sắp xếp thời gian đến thăm hỏi sức khỏe thầy cô … Cả nước thì không biết sao, riêng Quảng Ngãi quê hương mình tìm được một người học trò thành đạt mà có tấm lòng tôn sư trọng đạo, tri ân thầy cô như em Đạt phải nói là có một không hai … tình cảm thầy trò thật đáng quý, đáng trân trọng.

VII/ KẾT LUẬN :

Kỷ niệm những năm đầu thành lập trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi (giai đoạn 1983 – 1986), trường Chuyên đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi sau ngày giải phóng (1975), không chỉ để nhớ lại và tự hào mà điều quan trọng hơn đối với thầy trò chúng ta là trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, cần nổ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu trường Chuyên Văn Toán năm xưa. Điều đáng ghi nhận là những học sinh xuất thân từ trường Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi dù ở cương vị nào các em cũng luôn giữ tinh thần tôn sư trọng đạo. Các em đã thành công trong cuộc sống, dù là giáo sư, tiến sĩ, tổng giám đốc, trưởng đầu ngành hoặc là công nhân, nông dân bình thường, … nhưng nếu chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tất cả đều vẻ vang.

Điểm giống nhau của các em là không bao giờ quên những thời khắc tuyệt vời khi ngôi trên ghế nhà trường « Chuyên Văn Toán thị xã Quảng Ngãi » -Chiếc nôi ươm mầm tài năng đầu tiên của quê hương Núi Ấn Sông Trà và cũng là tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Khiết hiện nay.