KỶ NIÊM 80 NĂM TRƯỜNG TH LÊ KHIẾT (9/1945 – 9/2025)
Lượt xem:
KỶ NIÊM 80 NĂM TRƯỜNG TH LÊ KHIẾT (9/1945 – 9/2025)
TRƯỜNG TRUNG HỌC LÊ KHIẾT THỜI CHÍN NĂM
Xin mở đầu bài viết bằng mấy câu thơ trong Kỷ yếu 60 năm thầy trò trường Lê Khiết:
“Em tan trường nào có phải trường Kê Khiết
Chấp chới cánh cò rộn rã phố phường vui
Anh cũng là Lê Khiết một thời
Thuở chín năm trường kỳ kháng chiến
Trường chúng ta xưa, vách trét rơm mái lá
Trang giấy thâm đen nghiêng ngã ngọn đèn dầu
Tụ hội học trò bốn tỉnh khu Năm
Trường xưa yêu dấu lắng sâu trong lòng…”
Đúng vậy, sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Ty Giáo dục tỉnh Lê Trung Đình đề xuất thành lập trường Trung học lấy tên Lê Khiết, liệt sĩ cận đại quê Nghĩa Hành. Ngày mới thành lập, niên khóa 1945-1946 trường có 2 lớp là Đệ tam niên và Đệ tứ niên ban Thành chung. Học sinh từ nhiều nguồn khác nhau, từ Huế, từ Quy Nhơn trở về và lớp dưới lên, đại đa số là nam, chỉ có 2 nữ. Giáo sư là quý thầy Lê Học, Bùi Đức Chu, Võ Thu Tịnh, Hoàng Quý và cô Cúc Hoa. Địa điểm học tại trường sơ đẳng Chấn Hưng (gần trường Trần Quốc Tuấn ngày nay). Kết thúc niên khóa đầu, Bộ Quốc gia Giáo dục ra quyết định số 02/QĐ ngày 13/8/1946 thành lập Hội đồng khảo thí kỳ thi trung học tại Quảng Ngãi. Hội đồng gồm Chánh chủ khảo, giám khảo đều là giáo sư trường Đồng Khánh, trường Khải Định Huế vào đảm trách…
Cuối năm 1946 kháng chiển toàn quốc bùng nổ, thực hiện sắc lệnh số 05/SL ngày 31/12/1946 về tản cư của Chính phủ, trường Trung học Lê Khiết di chuyển về Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Trường tiểu học Phú Vinh (Chợ Chùa) phải phân tán nhường phòng ốc cho trường Lê Khiết học để hoàn thanh nốt chương trình niên khóa 1946-1947, sau dời xuống xã Nghĩa Mỹ (Sông Vệ). Tại Nghĩa Mỹ trường xây dựng tập trung 6 dãy nhà tranh tre nứa lá, có hàng rào, cổng ngõ bao quanh nhưng không mấy cây xanh che bóng mát.
Lúc này cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã vươn lên mạnh mẽ, chặn đứng bước tiến quân thù và chuyển qua giai đoạn “cầm cự”. Thực dân Pháp thua đau trên các mặt trận, chúng dùng máy bay đi đánh phá khủng bố nhân dân. Công tác phòng không đã tiến hành, đào hầm trú ẩn và canh phòng báo động khi có máy bay địch.
Tuy nhiên chiều ngày 21/3/1949 hai máy bay khu trục của không quân Pháp lao vào bắn phá điên cuồng và thả bom xuống những mái đầu xanh. Cô giáo Cúc Hoa và 17 học sinh lớp Đệ nhị niên B6 tử nạn trong căn hầm trú ẩn. Tan tóc đau thương ập đến tuổi học đường ngây thơ trong trắng! Cả nước căm hờn, loài người nguyền rủa thực dân Pháp dã man tàn bạo giết hại học sinh vô tội!
Nén đau thương, trường tiếp tục tản cư vào An Ba xã Hành Thịnh, quê hương nguyên Bố chánh Lê Tựu Khiết của trường. Trong kháng chiến, tuy đời sống vật chất nhân dân kham khổ nhưng về tinh thần thì phơi phới vui tươi. Con em lao động đến trường ngày một đông, trường trung học Lê Khiết số học sinh ngày càng tăng vọt, con đường dùi mài tri thức dào dạt những làng quê.
Lúc bấy giờ ngành giáo dục cải cách: Bậc tiểu học và trung học 10 năm, trong đó Trung học sáu năm (từ lớp 5 đến lớp 10). Tại An Ba năm 1951 trường trung học Lê Khiết có 2 cấp, cấp II (lớp 5, 6, 7) và cấp III (lớp 8 và lớp 9) chưa có học sinh lớp 10. Để phòng ngừa máy bay địch khủng bố, chủ trương Tỉnh ủy phân tán một số lớp về các huyện như Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức… song song tồn tại dạy và học cho đến ngày hòa bình tập kết năm 1954.
Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, trường Trung học Lê Khiết luôn đồng hành cùng dân tộc. Từ mái trường đơn sơ chỉ có 2 lớp, đã phát triển nhanh như Phù Đổng thiên vương, đã vượt lên mất mát đau thương để dựng xây mái trường sáng ngời kiêu hãnh.
Xin nói riêng về thời chín năm gian khổ, thuở Tổ quốc vừa giành được độc lập tự do, trường Lê Khiết không những là của Quảng Ngãi quê hương mà là của cả miền Nam Trung bộ. Nhiều học sinh vùng địch chiếm như Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Nguyên, Đà Nẳng, thậm chí Huế – Thừa Thiên cũng vào đây học tập. Học sinh Nguyễn Duy Tỳ (Bình Thuận), Hoàng Cao Hoàng (Huế) được gia đình cho tiền mua ruộng đất ở Nghĩa Mỹ để phát canh lấy thóc tô ăn học lâu dài.
Chín năm, từ “vườn ươm Lê Khiết” đã xuất hiện nhiều bậc lỗi lạc hiền tài, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Tổng cộng có “hơn một trăm bảy mươi Giáo sư tiến sĩ, giảng viên trường đại học” và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch nước Trần Đức Lương là học sinh lớp 8/1954, Bộ trưởng Thái Phụng Nê là học sinh lớp 9/1954, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trần Xuân Nhĩ là học sinh lớp 9/1953… Các anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như Nguyễn Xuân Bao (Quảng Nam), Trần Tuấn Bửu (Nghĩa Hành), Thái Phụng Nê (Phú Yên), nhà văn Nguyễn Ngọc Báu (Nguyên Ngọc), nhạc sĩ Trương Quang Lục… đều là học sinh trường Lê Khiết quang vinh và rạng rỡ trong thời kháng chiến chín năm.
Lớp lớp học sinh thành đạt là nhờ quý thầy cô gắng công rèn dũa “ngọc càng mài càng sáng”. Công đầu những ngày gian khó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vỹ kính yêu, hiệu trưởng đầu tiên nhất từ năm 1945 lịch sử. Thầy như một Chu Văn An của Quảng Ngãi, mô phạm kiên trung và trường thọ đến 105 tuổi đời. Quý thầy Hiệu trưởng Lê Học, Nguyễn Thiện Tụng, Lê Trí Viễn… dẫn đầu sư phạm và nhiều thấy cô khác sớm chiều tận tụy với đàn em thân yêu. Đặc biệt Giáo sư tiến sĩ Hoàng Tụy, cha đẻ của ngành toàn học “lý thuyết tối ưu”, về sau là Giáo sư thỉnh giảng các nước Á – Âu, tiến sĩ danh dự Thụy Điển, giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Thầy Tôn Thất Cự giám học, nhà giáo dục lão thành mô phạm kỹ cương. Giáo sư Lê Đình Kỵ nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư Hoàng Chúng, cô giáo liệt sĩ Trần Thị Cúc Hoa sáng ngời trang sử. Và biết bao thầy cô khác nữa “trăm năm vì sự nghiệp trồng người”.
Vinh hạnh tự hào “tám mươi năm trường Trung học Lê Khiết” thân yêu, vườn ươm tài năng, nhân đức vô song của nước nhà. Lớp thầy trò thuở chín năm trọn vẹn một con đò để đan dệt nên một truyền thống quang vinh quý báu trong cả nước. Mong sao lớp thầy trò con cháu ngày nay và mãi mãi về sau, hãy phát huy truyền thống sáng ngời thuở trước, hãy dương cao “Thương hiệu Lê Khiết” rạng danh đến bốn biển năm châu lẫy lừng.
Ngày 21 tháng 6 năm 2025
VŨ TIẾN ĐỨC
Sinh năm 1932, HS LK 1950-1952