TIẾNG TRƯỜNG XƯA THA THIẾT GỌI TA VỀ ….
Lượt xem:
TIẾNG TRƯỜNG XƯA THA THIẾT GỌI TA VỀ ….
Thạc sĩ Trần Văn Sáu – Nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn.
Trường Lê Khiết (LK) khu V là một ngôi trường vừa mang tính sử thi vừa giàu màu sắc huyền thoại. Mỗi khi nhắc đến mái trường này, chúng ta cứ miên man trong niềm vui, đắm chìm trong cảm xúc của hai dòng chảy lịch sử và văn hóa của miền quê “ Núi Ấn sông Trà”. Đất và Người LK đã in dấu đậm nét trong tâm thức của người dân xứ Quảng nói riêng và con người vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
PHẦN I. ÂM VANG CỦA TRUYỀN THỐNG
- Khai sinh cùng Đất nước
Cũng như Trường Bưởi, (trường Chu Văn An ) gắn liền với mảnh đất nghìn năm văn hiến Hà Nội; Trường Quốc Học Huế ( trường Khải Định) gắn liền với mảnh đất Cố Đô Huế; Trường Trung học Lê Khiết (THLK) Khu V gắn liền với “khúc ruột miền Trung” của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Đây là đứa con đầu lòng của ngành Giáo dục, Cách mạng tháng Tám mùa thu, là một ngôi trường vừa có tính sử thi lại vừa có màu sắc huyền thoại. Nói về trường Trung Học Lê Khiết khu V là nói về những đóng góp lớn lao cho Tổ Quốc trên nhiều lĩnh vực và trên nhiều phương diện. Nhưng thành công nổi bật nhất là nhà trường đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa còn non trẻ. Đội ngũ đó đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc ngoại xâm và kiến thiết xây dựng đất nước.
Quảng Ngãi là một tỉnh có vị trí địa lí nằm giữa vùng duyên hải Nam Trung bộ, phía bắc là Quảng Nam – Đà Nẵng, phía nam là Bình – Phú – Khánh Hòa. Ngay sau khi nước nhà được độc lập năm 1945, chính quyền Cách mạng lâm thời mới của tỉnh Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) nêu rõ: việc thành lập một trường Trung học tại Quảng Ngãi là cần thiết cho nhu cầu học hành của con em tỉnh nhà và học sinh (HS) sẽ không còn phải đi xa, ra Huế hay vào Quy Nhơn.Ý tưởng đó xuất phát từ sự gợi ý của ông Hoàng Xuân Hãn (đầu năm 1945 ) lúc này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim đề xuất. Lúc bấy giờ, Giáo sư Trung học Pháp – Việt Nguyễn Vỹ
(Người tỉnh Quảng Ngãi) đang dạy học ở trường Khải Định (Quốc học Huế) được ông Bộ trưởng mời lên giao nhiệm vụ dự trù lập một trường Trung học đóng tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo lời kể của GS Nguyễn Vỹ ( khi ông ra Q.Ngãi dự “Lễ kỉ niệm 48 năm thành lập trường LK” vào năm 1993): Trước hết, trường học phải có một cái tên phù hợp với không khí sục sôi chống Pháp lúc bấy giờ. Thế là, trong số các bậc quan lại, sĩ phu anh hùng nổi tiếng của mảnh đất Quảng Ngãi (QN), GS Nguyễn Vỹ nhớ đến hai cái tên ấm Loan và bố Khiết (Nguyễn Bá Loan và Lê Tựu Khiết ). Đặc biệt là Lê Tựu Khiết, được bà con nhân dân QN thân thiết gọi là “bố Khiết” không chỉ vì ông đã từng làm quan đến chức “Bố Chánh” mà ông còn là bậc đại quan trí thức thời phong kiến thực dân (PKTD) ở Quảng Ngãi. Gia đình ông ba đời khoa bảng, ba đời làm quan dưới triều Nguyễn. Bản thân ông đỗ Cử nhân lúc 24 tuổi. Cuộc đời 51 tuổi của ông có 6 lần được bổ nhiệm làm quan lớn, thì có 3 lần bị giáng chức rồi cáo quan. Ông là người đã từng tham gia phong trào “ Duy Tân” và là người đi đầu trong phong trào “khất sưu – cự thuế” chống Pháp ở Trung kì đầu thế kỉ XIX. Sĩ phu Lê Tựu Khiết – người huyện Nghĩa Hành là tấm gương tiêu biểu cho tầng lớp quan lại trí thức phong kiến (PK) biết tỉnh ngộ trở về với nhân dân đất nước, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì nghĩa lớn. Cụ là một trong 45 nhân vật tiêu biểu của QN qua các thời kì được ghi lại trong sách “ Quảng Ngãi, đất nước, con người, văn hóa” do NXB Văn hóa thông tin tỉnh ấn hành. Lê Tựu Khiết bị Pháp bắt và xử tử đầu năm 1908 bên bờ sông Trà cùng với sĩ phu Nguyễn Bá Loan. Trước khi bị xử bắn, cụ vẫn hiên ngang lẫm liệt “lấy dòng máu này rửa sạch vết nhơ của đời mình trước đây”. Khi lấy tên cụ đặt cho trường Trung học, GS Nguyễn Vỹ quên mất chữ lót “tựu”. Từ đó Trường Trung học đầu tiên ở QN sau 1945 được đặt tên “Lê Khiết” để ghi nhớ tên tuổi người con của Quảng Ngãi đã làm rạng danh thêm truyền thống vừa hiếu học khoa bảng lại vừa bất khuất của quê hương. Tên gọi “Lê Khiết” vừa như có cả dòng chảy của lịch sử quê hương đất mẹ kiên cường lại vừa có cả dòng chảy của tri thức văn hóa để con cháu đời đời noi theo. Như vậy, trường Trung học Lê Khiết là con đẻ của Cách mạng tháng Tám năm 1945, là trường trung học đầu tiên ra đời trên quê hương “Núi Ấn sông Trà.
Ngôi trường mang tên “ Lê Khiết” – một chí sĩ yêu nước – một tấm gương tiêu biểu giàu nghĩa khí.
2. Những năm tháng hào hùng …
Kể từ năm học đầu tiên (10 -1945) cho đến năm học cuối cùng ( 30 – 4 – 1955), cánh cổng trường khép lại, cũng là ngày khi trường THLK khu V đã có một cuộc hành trình dài 9 năm học, hành trình đó theo nhịp bước 9 năm của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Mỗi năm học ghi nhận một bước trưởng thành lớn mạnh không ngừng của nhà trường.
Ngày khai trường là ngày cuối mùa thu tháng 10 -1945, mùa thu của Nam miền Trung thường đến muộn hơn mùa thu miền Bắc. Trên sân trường Nam tiểu học Thị xã Quảng Ngãi lúc này mọi người mới cảm giác được cái se lạnh của thu tiết.Trời vẫn lất phất mưa nặng hạt của miền Nam Trung bộ, chứ không phải mưa phùn, mưa bụi hòa trong cái “chớm lạnh” của gió “ heo may” Bắc bộ. Đây là năm học khởi đầu, nhà trường có 3 lớp cấp trung học phổ thông (cấp 2) và các lớp tiểu học của trường Nam cùng học chung. Học được một năm, sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19 – 12 – 1946, trường dời về thị trấn Chợ Chùa ( Nghĩa Hành cách Thị xã Quảng Ngãi 12 cây số) đóng tại trường Tiểu học Phú Vinh ( nay là UBND huyện Nghĩa Hành) trước sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Công Phương – chủ tịch UBHC tỉnh Quảng Ngãi. Sự di dời này phù hợp với chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” chống Pháp lúc bấy giờ. Cùng thời gian đó việc chỉ đạo xây dựng trường lớp ở Sông Vệ đang gấp rút hoàn thành với 6 dãy lán học rộng rãi, khang trang có hầm trú ẩn máy bay.
Và từ năm học thứ 3, thứ 4 (từ 1947 đến 1949) trường LK lại chuyển về nơi đóng mới là thị trấn Sông Vệ. Đến trường mới, thầy trò LK phấn khởi vì khuôn viên trường lớp được rộng rãi thoáng mát nhờ sự giúp đỡ của Chính quyền và Nhân dân địa phương. Từ đây Thầy và Trò LK ra sức nỗ lực dạy – học để tự khẳng định mình. Giữa không gian của một thị trấn sầm uất, ngôi trường THLK ( Trung học Lê Khiết) nằm thu gọn giữa một thế giới phong cảnh sông nước hữu tình, dân cư đông đúc. Sông Vệ nằm giữa hai bờ Nam – Bắc của thị trấn như là một nét vẽ hài hòa tạo nên cảnh đẹp, trù phú ấm no của một làng quê duyên hải Nam Trung bộ. Dòng sông như một chứng nhân lịch sử chứng kiến sự đổi thay và lớn mạnh của ngôi trường hiên ngang, sừng sững giữa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, của sự tranh chấp giữa ta và địch. Cũng từ nơi đây, mái trường LK như được tiếp thêm sức sống mới để vươn mình trở thành một ngôi trường công lập đầu tiên của HS vùng tự do từ Quảng Nam đến Bình Thuận. HS của khu V“khúc ruột miền Trung” tìm đến mái trường LK như tìm đến một niềm tin về sự hồi sinh từng ngày, từng giờ của dải đất hình chữ S. Phụ huynh đưa con em mình đến học tập tại trường LK mang theo một niềm tin yêu vào sự đổi thay kì diệu của Cách mạng.Và rồi từ ngôi trường Trung học LK của riêng tỉnh Quảng Ngãi bỗng trở thành trường THLK của khu V. Trường có đầy đủ 4 lớp hoàn chỉnh bậc Thành chung từ niên khóa thứ hai và năm thứ nhất bậc Tú tài vào niên khóa thứ ba. Trong 3 năm học đầu từ 1945 -1948, quy mô trường có niên khóa lên đến hơn 3000 HS của 6 tỉnh. Trường lớn mạnh đã thu hút được nhiều thầy cô giáo giỏi về giảng dạy. Nhất là sau ngày Toàn Quốc kháng chiến, trường THLK Khu V đã trở thành trường trọng điểm có danh tiếng của Nam miền Trung. Đặc biệt, năm học 1947 – 1948 đã có 12 lớp và hội đồng Nhà trường có 22 thầy cô, đủ các môn học. Trong lễ bế giảng năm học, trường vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ là đại diện Chính phủ Trung ương tại miền Nam Trung bộ( 1947-1952) về huấn thị và trao phần thưởng. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự khích lệ thầy và trò Trường LK thi đua dạy giỏi, học giỏi không ngừng tiến lên cùng đất nước.
Những năm học cuối cùng từ 1949 -1955, nhà trường được mở rộng và có những buớc nhảy vọt trên các địa hạt giáo dục: trường lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng nhờ sự lãnh đạo phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Chi bộ, Công Đoàn, Hiệu Đoàn. Các môn học và nội dung học được nâng cao và mở rộng, học đi đôi với các hoạt động khác như văn nghệ, thể thao, thi sáng tác, triển lãm tranh ảnh. Nhà trường luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng chuyên môn dạy học đi liền với việc giáo dục chính trị tư tưởng cho thầy và trò, nhất là phổ biến các chủ trương đường lối kháng chiến, tham gia các đợt chỉnh huấn, các buổi sinh hoạt tư tưởng Mác xít, tham gia hoạt động ngoài xã hội mở lớp bình dân học vụ, công tác dân vận,.v.v. Dần dần, trường THLK trở thành trung tâm đào tạo những HS ưu tú cuả nhiều tỉnh miền Trung làm nòng cốt cho các tổ chức kháng chiến. Điều đó không qua khỏi tai mắt của bọn mật thám và thực dân Pháp. Chúng tìm mọi cách kìm hãm phá hoại sự lớn mạnh của nhà trường. Điển hình nhất có hai vụ ném bom bắn phá của Pháp vào trường. Sự kiện thứ nhất xảy ra chiều 21-3-1949, hai máy bay khu trục của Pháp đến ném bom bắn phá làm cháy nhiều phòng học và sát hại 17 HS cùng cô giáo dạy Toán Trần Thị Cúc Hoa đang giảng bài. Đau thương uất hận – một không khí tang tóc khắp sân trường, bao trùm cả nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong PH và HS. Trường tạm thời nghỉ học hai tuần để di dời cơ sở về làng An Ba, xã Hành Thịnh tiếp tục dạy học. Như sự tình cờ, An Ba lại chính là quê hương của cụ Lê Tựu Khiết. Còn gì hơn khi trường lại về nương náu tại chính nơi sinh ra cụ Lê Khiết, hi vọng linh hồn cụ sẽ che chở cho thầy trò. Theo ông Nguyễn Gia Phương (cựu học LK lúc bấy giờ ) nhớ lại :Trong lễ khai giảng năm học thứ 5 ( 1949 – 1950) nhà trường có mời cụ Nghè Tiềm là con của cụ Lê Khiết mà trường vinh dự mang tên đến dự. Từ đó cả thầy và trò vô cùng sướng, tự hào khi được dạy và học ngay chính trên mảnh đất sinh ra cụ LK. Càng tự hào, nhà trường càng chú ý giáo dục HS hiểu biết nhiều về tấm gương yêu nước của “ chí sĩ Lê Tựu Khiết” năm xưa. Kỳ diệu thay! Dù bị ném bom tàn phá, năm học này (1949 – 1950) cũng là năm nhà trường gặt hái được nhiều thành công, quy mô trường lên đến 24 lớp công lập và có thêm 10 lớp tư thục (với 400 HS và 31 thầy cô giáo). Đây là năm trường có nhiều lớp, đông thầy đông trò, năm đánh dấu sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Chi bộ Đảng, đánh dấu sự hòa nhập mạnh mẽ của nhà trường với cuộc kháng chiến, là năm có nhiều thành tích, nhiều hoạt động sôi nổi hào hùng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong thầy và trò LK. Điều đó được lưu giữ trong kí ức của nhiều thế hệ học trò LK trưởng thành. Dù là đi Tập kết ra Bắc học tập bậc Đại học hay sang nước ngoài đào tạo tiếp tục trở về phục vụ đất nước…Với họ – những người LK năm xưa, là những kí ức, những năm tháng không thể nào quên trong trái tim tuổi trẻ. Sự kiện thứ hai vào tháng 4 -1951, tại An Ba, trường lại bị máy bay Pháp oanh tạc. Rất may lần này không có người chết, nhưng cơ sở trường một số lớp bị thiêu cháy. Nhà trường lại phải sơ tán, dựa vào dân, chia nhiều phân hiệu, tổ chức nhiều lớp học nhỏ trong các làng mạc, trong nhà dân… Dù khó khăn đến mấy trường vẫn không bị gián đoạn việc dạy học, rèn luyện.
Từ năm 1952 về sau, trường vẫn đóng tại An Ba, lúc này cuộc kháng chiến của dân tộc chuyển hướng theo tinh thần “ trường kì kháng chiến, tự lực cánh sinh”. Nhiều giáo viên của LK được điều chuyển chi phối cho các trường học khác trong tỉnh. Lãnh đạo nhà trường cũng được phân công nhận nhiệm vụ mới ở các cơ sở khác. Cuối năm 1952, cấp trên có sự chuyển hướng trong kế hoạch đào tạo lâu dài. Theo đó nhà trường vừa dạy học vừa tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán để phục vụ kháng chiến sau này. Nhiều GV và HS ưu tú của trường trở thành những tấm gương tiêu biểu. Nhiều người rời ghế nhà trường lên đường đi Tập kết để đào tạo cán bộ cốt cán lâu dài hay tham gia Quân đội bổ sung cho các chiến trường. Qua 3 đợt tuyển quân trong kháng chiến, trường đóng góp hơn 220 HS gia nhập Quân Đội. Những người LK cũ đã chứng kiến trên mảnh đất này biết bao nhiêu “cuộc chia li chói ngời sắc đỏ”. Kẻ ở người đi bịn rịn nhớ thương. Đó là những cuộc chia tay tiễn bạn đi Tập kết và lên đường gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Nhiều bạn ra đi từ ấy và đã tham gia chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều người đã hi sinh anh dũng và cũng có nhiều người đã trở thành sĩ quan cấp cao trong QĐNDVN. Người Lê Khiết không bao giờ quên những cuộc chia tay đó!
Sau chiến thắng Điên Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được kí kết, hòa bình được lập lại . Đất nước tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc chờ ngày tổng tuyển cử. Nhưng kẻ thù lại âm mưu phá hoại Hiệp định, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương Tập kết cán bộ, HS ưu tú miền Nam ra Bắc đào tạo thành những “hạt giống đỏ” để sau này trở về phục vụ lâu dài cho Cách mạng miền Nam. Cao trào nhất là đầu năm 1955, rất nhiều người con ưu tú của miền Trung đã và đang học tại LK được hòa vào trong phong trào lên đường Tập kết ra Bắc, lúc bấy giờ, có nhiều phụ huynh rất phấn khởi, tin tưởng xin Nhà nước được đóng tiền để đưa con em mình ra Bắc học tập. Một số thầy giáo được điều động đi phục vụ việc thi hành Hiệp đinh Giơ-ne-vơ, trong đó có thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thiện Tụng tham gia. Thầy Lê Trí Viễn được cử về làm Hiệu Trưởng. Thời gian của hai năm 1954 – 1955, cuộc sống học tập của thầy và trò rất gian khổ. Thầy phải dạy thêm nhiều giờ, kiêm thêm nhiều nhiệm vụ của trường và của xã hội. Trò phải học dồn nhiều tiết nhiều ngày, phải sống kham khổ, phải tằn tiện, phương tiện đi lại khó khăn nên việc HS về nhà là rất hạn chế. Kẻ thù ra mặt phá hoại Hiệp định Hòa bình, bắt bớ khủng bố những người kháng chiến cũ, giải tán các trường học của ta, khủng bố GV. Tuy vậy nhà trường LK vẫn duy trì và đảm bảo vịệc dạy – học đầy đủ chương trình, duy trì các lớp học. Nếu kể đầy đủ, trường THLK khu V trong suốt 9 năm kháng chiến đã có 4 lần tản cư đến 6 địa điểm khác nhau.
Ngày 30 – 4 – 1955 đã đi vào lịch sử Trường THLK khuV, nhà trường không có Lễ bế giảng mà các thầy cô đến từng lớp học chia tay các em, dặn dò những điều cần thiết và hẹn ngày gặp lại. Đó là một cuộc chia tay lịch sử của thầy trò Lê Khiết, vì từ ngày ấy cánh cổng trường LK đóng lại. Nước mắt của kẻ ở người đi thấm đẫm trang giấy học trò. Họ nhìn nhau mắt huyền đẫm lệ. Một cuộc chia tay chưa hẹn ngày trở lại, vì hai miền còn chia cắt. Thầy Hiệu trưởng Lê Trí Viễn ở lại trường đến giữa tháng 5 – 1955 để bàn giao cơ sở cho đối phương rồi Tập kết ra Bắc. Thầy Lê Trí Viễn và người học trò Trần Đức Lương là những người cuối cùng rời mái trường Lê Khiết. Nhà trường tạm thời“ đóng cửa” chấm dứt những năm tháng hào hùng của một ngôi trường vừa mang tính sử thi vừa có màu sắc huyền thoại.
3. “ Những hạt giống đỏ…”
Một đất nước vừa thoát khỏi chế độ PK hà khắc hằng nghìn năm, vừa thoát khỏi chế độ nô lệ 80 năm của Thực Dân, đất nước đó lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chín năm ròng rã, thế mà dân tộc đó vẫn đứng vững đầy kiêu hãnh. Giữa đống đổ nát của chiến tranh, giữa muôn vàn khó khăn gian khổ, giữa cái khắc nghiệt của đời sống, ấy thế mà ngôi trường Lê Khiết khu V vẫn tồn tại hiên ngang đứng đầu sóng ngọn gió nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó chính là điều khắc cốt ghi tâm, là niềm vinh dự tự hào của thầy trò LK . Và đây chính là mầm sống kì diệu của Con Người Lê Khiết. Họ đã vượt qua những chặng đường chông gai để khẳng định mình và đóng góp lớn lao cho Tổ Quốc.
Suốt chín năm xây dựng và trưởng thành, trường THLK khu V đã đào tạo được hàng nghìn người con ưu tú cho đất nước. Có những người con ở lại quê hương miền Nam tiếp tục phục vụ cuộc Cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Có những HS và GV xuất sắc của trường đã được Đảng và Nhà nước cho Tập kết ra Bắc, tạo mọi điều kiện để sang Liên Xô, Trung Quốc học tập nâng cao trình độ trở về phục vụ Cách mạng. Một số khác được học tập tại các trường ĐH ở miền Bắc. Họ là “những hạt giống đỏ miền Nam”, số đông được ươm mầm từ mảnh đất Lê Khiết kiên cường. Họ đã giã biệt quê hương ra đi vì nghĩa lớn. Dù ở lại miền Bắc phục vụ công cuộc kiến thiết dựng xây dựng chế độ XHCN hay trở về tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thoát khỏi chế độ Mỹ – Ngụy thì những người con LK vẫn luôn nêu cao niềm tự hào sẵn sàng đem hết sức lực, trí tuệ phụng sự Tổ Quốc, phụng sự nhân dân. Những thầy giáo, HS xuất sắc của trường, đã trở thành những GSTS khoa học, những cán bộ lãnh đạo Đảng và nhà nước từ cấpTỉnh cho đến Trung ương, những người đứng đầu các Vụ, Viện nghiên cứu, những tướng tá trong Quân đội, những nhà văn, nhà báo, bác sĩ, nhạc sĩ, phóng viên…,dù trên lĩnh vực nào , họ cũng đã cống hiến hết mình cho mảnh đất quê hương xứng đáng với tên gọi “hạt giống đỏ miền Nam”. Một ngôi trường cấp 3 không lớn ở An Ba – Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, ít ai có thể nghĩ rằng lại tiêu biểu cho “quốc hồn, quốc túy” của “khúc ruột miền Trung”, của dải đất hình chữ S. Để minh chứng cho nhận xét trên đây, chúng tôi xin đưa ra một vài con số thống kê sau đây, dù chưa đầy đủ, nhưng những số liệu tiêu biểu này sẽ giúp cho các thế hệ sau hiểu biết hơn về mảnh Đất và con Người Lê Khiết năm xưa:
Thầy tiên phong.
15 thầy giáo trường THLK khu V sau này đã trở thành những Giảng viên, GSTS , chuyên gia đầu ngành của các trường ĐH, các Vụ,Viện nghiên cứu. Trong đó tiêu biểu nhất là: GSTS Hoàng Tụy (Viện trưởng Viện Toán học VN), GSTS Hoàng Ngọc Thành (giảng dạy tại ĐH Hoa kỳ), TS Phạm Như Khôi (giảng dạy tại ĐH Paris), GSTS Lê Đình Kỵ ( ĐH Tổng hợp – TP.HCM), NGND – GS Lê Trí Viễn (ĐHSP – TP.HCM), TS Nguyễn Quới (ĐH Huế); Trần Văn Thận (Hiệu phó ĐHSP Quy Nhơn).v.v.
Trò tiếp bước.
Bên cạnh những người thầy giỏi đã đào tạo ra những HS giỏi – xuất sắc trưởng thành trên nhiều lĩnh vực….Phần lớn những HS LK tập kết ra Bắc từ 1954 đều trải qua quá trình đào tạo ở miền Bắc và đi học nước ngoài. Họ là những người cán bộ nòng cốt mẫu mực trong bộ máy lãnh đạo quản lí Nhà nước. Một số học sinh tiêu biểu cho trong số 30 con người đã thành đạt nhất, chứng minh hùng hồn cho sự trưởng thành vượt bậc, xứng đáng là học trò THLK khu V. Họ là các Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch Tỉnh cho đến các Vụ trưởng, Cục trưởng, Bộ trưởng, Đại Sứ quán nước ngoài, hay Thủ tướng – Chủ Tịch Nước , Giám đốc -Tổng Giám đốc các công ty lớn. Tiêu biểu như nguyên Thủ tướng CP – Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương, người học trò của niên khóa cuối cùng tại LK tập kết ra Bắc; Thái Phụng Nê ( bộ trưởng bộ năng lượng); Châu Diệu Ái (Viện trưởng Viện Khoa học hình sự); Hoàng Xuân Tú (Viện trưởng viện Sinh học); Huỳnh Văn Tánh (bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Trung Quốc). Ksor Krơn ( Sỹ ) Bí thư tỉnh ủy Kon Tum… Trong lĩnh vực GDĐT đã có 180 HSLK sau này trưởng thành đã trở thành các GSTS, Giảng viên ĐH-CĐ, chuyên gia đầu ngành; NGƯT, NGND, Hiệu trưởng, hiệu phó các trường ĐH lớn…; Bên cạnh đó, các anh các chị HS LK còn thành công trên các lĩnh vực: VHNT – BC, nghệ sĩ, phóng viên. Theo thống kê ( chưa đầy đủ) của cựu HSLK khu V đã có 13 nhân vật tiêu biểu trên lĩnh vực này. Nguyên Ngọc ( năm nay 93 tuổi) được gọi là nhà văn của “ Đại ngàn Tây Nguyên”; Lê Khâm ( Phan Tứ ) – tác giả tiểu thuyết “ Mẫn và Tôi” nổi tiếng một thời; Nguyễn Quế – phóng viên chiến trường, hay nhạc sĩ nổi tiếng Trương Quang Lục- người đã sáng tác “Hành khúc trường Lê khiết” mà ngày nay các bạn trẻ đang hát, Đinh Chương (Phóng viên TTXVN), Trần Thế Bảo (TS âm nhạc – Hội NSVN ), Nguyễn Thị Thanh Vân – GSTS (viện VH ), bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Xiêm, Phan Thị Phi Phi, Trần Công Khanh.v.v.; Trên mặt trận quân sự có 20 người được phong quân hàm từ Thiếu tá đến Thiếu tướng.Và rất nhiều HS LK đã tham gia hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc dưới nhiều hình thức: người nhập ngũ, người nằm vùng địch hậu, người tham gia du kích, người làm địch vận, người hoạt động bí mật…(có 23 liệt sĩ). Đặc biệt có 3 HS được phong danh hiệu “Anh hùng lao động”(Nguyễn Xuân Bao; HS lớp 9/1954); Trần Tuấn Bửu, HS lớp 7B/ 1953 ); Thái Phụng Nê (HS lớp 9/1954). Họ đều là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên theo học tại LK.
Những con số biết nói:
Trong suốt thời gian tồn tại giữa lòng cuộc kháng chiến gian khổ 9 năm , Đất và Người LK đã để lại những con số đầy ấn tượng:
– Có 3.429HS đã được đào tạo và trưởng thành bậcTrung học.
– Đào tạo hơn 200 GVSP cấp I và cấp I I đầu cấp.
– Hơn 220 bộ đội cho kháng chiến chống Pháp.
– 23 Liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
– Có 1 thiếu tướng và 13 Đại tá quân đội.
– Có 1 Chủ tịch nước; 2 Bộ trưởng; 4 Thứ trưởng; 2 bí thư Tỉnh ủy; 1 Chủ tịch Tỉnh; 3 Anh hùng lao động.
– Và hàng chục nhà Giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, hàng trăm GSTS, nhà khoa học, hàng trăm giảng viên cao cấp tại các trường CĐ – ĐH, hàng chục Viện trưởng các viện nghiên cứu lớn, hàng chục Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường ĐH lớn,.v.v.
Thành tích vẻ vang của trường LK đóng góp cho Đất nước đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét “có lẽ hiếm thấy một ngôi trường học nào thời kháng chiến có nhiều giáo viên, học sinh sau này trở thành văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng cả nước như ngôi trường Lê Khiết khiêm tốn này”( Theo cố GSTS Hoàng Tụy- nguyên cựu HS LK, nguyên Viện trưởng viện Toán học VN ). Và ngay sau ngày tái lập trường LK, khi về thăm trường cũ, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã viết trong Sổ vàng truyền thống nhà trường như sau “ Trường trung học Lê Khiết của Liên khu V trong những năm kháng chiến chống Pháp là một minh chứng hùng hồn của sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đối với sự nghiệp giáo dục. Nhà trường đã đào tạo cho Tổ Quốc ta nhiều nhà hoạt động lớn cả về chính trị,Văn hóa nghệ thuật, Khoa học kĩ thuật”.
Khi kể tên hay thống kê thành tựu trên đây của thầy trò trường LK Khu V, người viết thành thật xin lỗi vì có khi không đầy đủ, thiếu sót hoặc sai họ tên chức danh, học vị…. Dư âm và hồi âm về mái trường Lê Khiết là tiếng vang vọng của lịch sử đã chứng minh hùng hồn về sự thật cống hiến của thầy trò trường THLK khu V. Họ đã góp phần lớn vào công cuộc chống ngoại xâm và kiến thiết dựng xây Đất Nước Việt Nam ta. Họ là “ những hạt giống đỏ”, những con người xuất sắc làm nên sự ngưỡng mộ, kính phục cho các thế hệ sau về “ Đất và Người Lê khiết”.
Đó chính là của niềm tin, của ngọn lửa khát vọng luôn rực cháy trong tâm hồn bao thế hệ của người dân Quảng Ngãi nói riêng và Cựu HS LK khu V nói chung.
PHẦN II. HỒI SINH MÃNH LIỆT
1. Mầm sống diệu kì
Nằm giữa khoảng lặng im lìm, chết chóc của cuộc chiến tranh ác liệt chống Mỹ cứu nước 20 năm trời ( 1955-1975), trường Trung học Lê Khiết tạm thời đóng cửa, chờ đợi sự hồi sinh…Và phải đợi đến năm 1989 (14 năm sau hòa bình ), Trường THLK khu V cũ lại được hồi sinh ngay trên mảnh đất Quảng Ngãi. Đó là vào năm 1989, khi Quảng Ngãi được tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình, ý tưởng hồi sinh trường THLK được hình thành. Thể theo nguyện vọng tha thiết của nhân dân Quảng Ngãi nói chung và của đông đảo cựu HSLK nói riêng về sự cần thiết khôi phục lại truyền thống của một ngôi trường vừa đáp ứng được nhu cầu học tập của con em tỉnh nhà vừa để các thế hệ đi sau có điều kiện phát huy truyền thống hiếu học, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước. Nguyện vọng đó được những con người có tâm huyết đề xuất với Sở GDĐT một phương án tái lập trường trung học Lê Khiết để trình UBND Tỉnh. Đề nghị đó đã được Tỉnh chấp thuận và ra “Quyết định” tái lập trường. Thế là, một “Luận chứng kĩ thuật” về xây dựng trường LK ra đời. Niềm phấn khởi và tự hào của các thầy giáo, HS LK cũ được tái sinh. Đó là tình cảm, trách nhiệm và lòng nhiệt tình của thầy Nguyễn Vỹ ( nguyên Hiệu trưởng đầu tiên), thầy Trần Đức Oanh, thầy Hoàng Minh, thầy Trần Văn Thận…và các anh cựu HSLK:Trần Xuân Nhĩ, Hoàng Trương, Nguyễn Đức Tấn, Nguyễn Thái Bình, Phan Kỳ Phùng, Nguyễn Thượng Chí, Nguyễn Năm…Đây chính là những mầm sống diệu kì của con người Lê Khiết.Tôi nhớ lại, ngày đầu tiên động thổ khai móng trên mảnh đất Gò Chùa – Nghĩa Lộ ( nay là số 112 đường Chu Văn An), Anh Nguyễn Đức Tấn, anh Hoàng Trương và một số anh khác đã đặt những viên đá đầu tiên để xây một dãy nhà A- 2 tầng 4 phòng học phía nam khuôn viên 16.500m2 của trường. Các anh là những cựu HSLK trước đây đã tập kết ra Bắc đào tạo rồi trở lại phục vụ quê hương. Anh Hoàng Trương lúc bấy giờ đang là Giám đốc sở GD, anh Tấn là Trưởng phòng phổ thông và các anh khác đang công tác ở những địa hạt lĩnh vực khác nhau. Sự có mặt của các anh trên mảnh đất Gò Chùa là sự minh chứng hùng hồn cho tình yêu, niềm tin và hi vọng về sự hồi sinh truyền thống hiếu học của người dân đất Quảng. Gần nửa thế kỉ qua, tưởng như tên tuổi của LK đã đi vào lãng quên. Nhưng chính các anh – những cựu thầy trò LK đã khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa khát vọng cho sự nghiệp “trồng người” trên mảnh đất LK.
2. Tựu trường – Ngày tái lập ( 5 – 9 – 1990):
Sau một năm xây dựng hạng mục thứ nhất đã hoàn thành và nhà trường tổ chức Lễ Khai giảng đầu tiên sau 35 năm trường LK đóng cửa. Hôm ấy, những ngày cuối hè đầu thu đất trời Quảng Ngãi cũng vẫn đang còn nóng bức, cái nóng oi nồng khó tả quyện với mùi đất cát vôi vữa của dãy phòng học mới đang xây dở làm cho không khí thêm bức bối ngột ngạt. Lễ rất đơn giản, chỉ một tấm phông treo trước mặt tiền phía nam của phòng học không có khán đài, nhưng đầy đủ thủ tục của lễ nghi, có một chiếc bàn gỗ cũ kĩ và một số ghế nhựa cho GV, đại biểu ngồi. Ngoài một số GV cốt cán được sở tuyển chọn còn có Đại biểu Ban quản lí công trình xây dựng trường LK, đại diện sở GD, đại diện địa phương cùng với 7 lớp HS khóa đầu tiên (320 em ) được nhà trường tuyển chọn từ kì thi vào 10 của trường PTTH Trần Quốc Tuấn. Sau Lễ khai giảng là buổi học đầu tiên và tiếp nối những ngày tháng thầy trò chúng tôi đến trường. Chúng tôi dạy học tầng trệt, còn tầng trên vẫn đang hoàn thiện thi công. Cứ như vậy, một trường LK buổi đầu tái lập là sự đan xen của hai hình thái vừa là trường học vừa là công trường xây dựng. HS phải chia thành hai buổi sáng – chiều. Nhà trường dành hẳn một phòng học để vừa làm phòng BGH vừa là phòng kế toán thủ quỹ kiêm văn thư hành chính, lại kiêm luôn cả phòng họp Hội đồng, phòng đợi của GV. Chúng tôi vẫn thường gọi đùa là “ phòng đa năng”. Bề bộn bao nhiêu công việc, khó khăn chồng chất, thiếu thốn mọi thứ…, nhưng hầu như cả thầy và trò chúng tôi vẫn không biết mệt mỏi, không than phiền kêu ca, mà thay vào đó, được đến trường LK là một niềm vui, là một sự thấu hiểu chia sẻ, cộng đồng đối với nghề mình chọn. Hơn thế, đó còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của thế hệ sau với thế hệ đi trước.
3. Những tên gọi khác nhau.
Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, trường mang tên “ Trường Trung học Lê Khiết”. Địa điểm trường đóng là bên bờ Sông Vệ, vì máy bay bom đạn của Pháp phá hoại, sau đó chuyển về An Ba – Nghĩa Hành, lúc đầu chỉ để đào tạo con em trong tỉnh. Vì lúc bấy giờ muốn học bậc Trung học, con em trong tỉnh phải vào Quy Nhơn hay đi ra Huế ( phần lớn chỉ có con em nhà giàu mới đủ điều kiện). Vì thế sự ra đời của trường THLK như một nhu cầu tất yếu của lịch sử GD. Hơn nữa, nó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với giáo dục sau ngày Độc lập 1945. Về sau, khi sự lớn mạnh, tiếng tăm của ngôi trường này đã lan tỏa khắp miền Trung thì con em của các tỉnh từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận tìm về LK để học tập (có niên khóa LK đã đón hơn 3000 HS). Được đông đảo học sinh tin tưởng, phụ huynh tín nhiệm nên trường đã mở rộng địa bàn người học ra toàn vùng duyên hải Nam Trung bộ từ Nam – Ngãi – Bình – Phú – Khánh Hòa đến Bình Thuận. Và cũng từ đó, tên trường có thêm vị trí tuyển chọn HS là khu V – “Trường Trung học Lê Khiết khu V” ra đời như một phần của lịch sử Chín năm kháng chiến để lại.
Sau ngày tái lập Tỉnh (1989) cho đến nay (2025), tính từ ngày khai trường đầu tiên 5 – 9 -1990 đến nay ( 2025), trường đã trải qua 35 năm phát triển. Trong suốt thời gian đó, trường đã nhiều lần thay đổi, chuyển đổi tên gọi phù hợp với những giai đoạn cải cách của nền GD nước nhà. Những thế hệ sau của LK cần biết đến sự thay đổi đó về một ngôi trường mà mình đang giảng dạy – học tập.
– Năm 1989. Quyết định đầu tiên của UBND tỉnh tái lập Trường, lấy tên “ Trường Phổ thông trung học Lê Khiết”, tên gọi ấy tồn tại được ba năm học (1990 – 1991,1991-1992 và 1992 – 1993). Và đây là ngôi trường cấp 3 thứ hai sau trường PTTH Trần Quốc Tuấn trên địa bàn Thị xã Quảng Ngãi.
– Năm học 1993 – 1994, cấp trên lại chủ trương nhập Trường chuyên cấp 2 – 3 Tỉnh Quảng Ngãi vào chung với Trường PTTH Lê Khiết, cho nên tên trường được đổi thành “ Trường chuyên cấp 2 – 3 Lê Khiết”. Từ đây trường có nhiệm vụ đào tạo HS của hai hệ cấp 2 và cả cấp 3, vừa có lớp chuyên, vừa có lớp không chuyên. Nhiều người gọi đùa là “trường đa hệ”.
– Từ năm học 1997 – 1998, lại có chủ trương chuyển hệ cấp 2 về trường THCS Trần Hưng Đạo, Thị xã Quảng Ngãi, trường lại một lần nữa có tên gọi mới “Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Khiết”(cụm từ PTTH nay đảo lại THPT). Nhiều người gọi một cách thân thương là “Lê Khiết”. “Lê Khiết” là một thương hiệu lan tỏa một sự đam mê được Phụ huynh và HS tín nhiệm. Về sau thương hiệu ấy còn mở rộng khắp mọi vùng miền của đất nước khi trường đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể trên lĩnh vực GDĐT. Được giảng dạy, học tập tại trường chuyên Lê Khiết là niềm vinh dự, tự hào của thầy cô giáo và HS. Dù trường thay đổi tên gọi qua các giai đoạn khác nhau, nhưng hai tiếng “Lê Khiết” không bao giờ thay đổi. Đó là tiếng rì rầm trong lòng đất, tiếng vang vọng của lịch sử ngày xưa dội về. Nó như lời ca hùng tráng vang lên trong bài “ Hành khúc trường Lê Khiết” (do nhạc sĩ Trương Quang Lục, Hội nhạc sĩ VN – cựu HSLK Lớp B1/1948-1949) sáng tác nhân dịp anh về thăm lại trường xưa trên mảnh đất Quảng Ngãi.
Trở lại sau hơn ba nươi năm bị lãng quên vì chiến tranh, trường LK đã khẳng định được vai trò, vị trí của một trường chuyên có chất lượng trong tỉnh và khu vực. Đặc biệt là nhà trường đã bước đầu phát huy, tiếp nối được truyền thống GDĐT của Trường Trung học LK khu V. Chính vì vậy, Sở GD và UB tỉnh đã xác định rõ: “ Mục tiêu xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết thành một cơ sở giáo dục có chất lượng cao, đạt chuẩn Quốc gia ở mức độ cao, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo nhiệm vụ phát triển những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức tự lập, có nền tảng kiến thức vững vàng, có phương pháp tự học tự nghiên cứu và sáng tạo”. (Trích Đề án phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010- 2020)
4. Vươn tầm khu vực và thế giới.
Trong thời gian 20 năm đầu sau khi tái lập, nhiệm vụ của nhà trường đã được xác định rõ là xây dựng được trường chuyên của Tỉnh đạt chuẩn Quốc Gia, đưa tầm ảnh hưởng của trường sánh cùng các trường chuyên khác trong vùng miền, từ đó vươn ra khu vực & thế giới. Nói đến trường chuyên không thể không nói về việc đào tạo bồi dưỡng HSG các cấp, từ cấp trường – tỉnh – Quốc gia – Quốc tế. Đó là xương sống, là nền tảng sống còn của chất lượng GDĐT HS chuyên, là tôn chỉ, là mục đích của nhà trường LK. Chỉ tính riêng 20 năm đầu sau khi được hồi sinh, Lê Khiết đã đem lại cho GD tỉnh nhà những con số tin cậy: 3915 HSG cấp trường; 2. 227 HSG cấp tỉnh; 414 HSG Olympic toàn miền Nam; 282 HSG cấp Quốc gia; Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT là 100% và có trên 90% đậu ĐH – đó chính là niềm mong mỏi của Phụ huynh HS; Đặc biệt có 3 HSG giỏi Quốc tế & Khu vực ( Trần Văn Nghĩa sinh 19981 đạt giải Nhì Toán Quốc Tế Rumani 1999; Phạm Văn Trung sinh 1985 và Lí Minh Trung sinh 1985 đều đạt Huy chương bạc Toán khu vực Châu Á TBD; em Võ Hữu Hội sinh 1980 Giải Nhì toán Châu Á-TBD; Lê Viết Hà vô địch “Đường lên đỉnh Olympia, lần thứ 7 – 2007” do VTV3 đài THVN tổ chức; Trần Thị Nhật Anh lớp11Hóa đạt giải xuất sắc trong kì thi HSG Hóa học Hoàng gia Australia tổ chức.
Nối tiếp truyền thống cha anh của trường THLK khuV, các em LK ngày nay sau khi tốt nghiệp ĐH đều tham gia học lên và nghiên cứu giảng dạy tại các trường ĐH lớn trong và ngoài nước. Nhiều tài năng HS từ LK được vun trồng chăm lo phát triển thành danh trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Nguyễn Hữu Hội & Trần Thái An Nghĩa là Tiến sĩ Toán học đang giảng dạy tại ĐH Hoa kỳ; Trần Lê Tuấn Nam – TS đang giảng dạy tại Phần Lan; Phùng Quốc Định đang giảng dạy tại Úc; TS Lê Vũ Hà ; TS Võ Quế Sơn đang giảng dạỵ tại ĐH Bách khoa TPHCM; TS Nguyễn Văn Chúc đang nghiên cứu tại Viện Hóa Công Nghiệp. Nhiều cựu HS LK đang là Thạc sĩ, NCS tại các cơ sở Đào tạo trong và ngoài nước. Nhiều HS chọn nghề SP, tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc, đi tu nghiệp thêm ở nước ngoài trở về trường cũ công tác giảng dạy đào tạo thế hệ sau như cô giáo tiếng Anh Mai Phương. Ngoài truyền thống dạy học, trường LK còn chăm lo các hoạt động XH khác, rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp, góp phần đào tạo nhân tài, đóng góp đội ngũ trí thức khoa học, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ngãi nói riêng và đất nước nói chung. Trường đã tạo được niềm tin trong nhân dân và vươn tới tầm khu vực để sánh vai với các trường chuyên khác trong cả nước. Khó có thể nói hết, đầy đủ những đóng góp của thầy trò trường LK trên lĩnh vực dạy học sau ngày tái lập cho đến nay. Tất cả những đóng góp của nhà trường đã được Đảng và Nhà vinh danh trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (Năm 2000), HCLĐ hạng Nhất (năm 2005); HC Độc Lập (năm 2015); nhận Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của Thủ tướng CP, của Bộ GD, của UBND tỉnh. Vinh dự hơn là một ngôi trường mới tái lập hơn 30 năm mà đã có những bước đi vững chắc, ổn định, phát triển bền vững, kế thừa được truyền thống hào hùng của Trường TH Lê Khiết khu V trong kháng chiến chống Pháp, tạo được niềm tin yêu, sự ủng hộ của XH, phụ huynh và HS. Trường THPT chuyên Lê Khiết ngày nay xứng đáng là “Lá cờ đầu” của Ngành GD tỉnh nhà. Người viết không có tham vọng và cũng không thể nói hết nhiều thành công, chuyển biến tích cực của một ngôi trường mới tái lập sau chiến tranh, chúng tôi chỉ điểm những ấn tượng, những kỉ niệm khó quên của chặng đường hơn 1/3 thế kỉ mà thầy trò LK đã trải qua. Hi vọng những dư âm hôm nay sẽ đem lại đôi điều lắng đọng trong lòng người đọc, hướng tới bản hòa ca kỉ niệm 80 năm sức sống của một ngôi trường tuởng chừng như đã bị lãng quên.
5 Thao thức vì Lê Khiết.
Đầu tư Đội ngũ giảng dạy có chất lượng.
Điều đầu tiên mà sở GD quan tâm cho LK là sự đầu tư về đội ngũ những người thầy giỏi. Anh Hoàng Trương, Anh Nguyễn Đức Tấn nêu vấn đề này với quan điểm “có thầy giỏi mới có trò giỏi”. Đây chính là nỗi niềm, là những băn khoăn trăn trở của lãnh đạo sở và anh chị cựu HS LK cũ khi tái lập trường. Bởi vì tái lập trường LK là để tiếp nối và phát huy truyền thống Dạy Học và cống hiến cho đất nước của trường trung học LK khu V trước đây. Trước thềm khai giảng năm học đầu tiên 1990, các anh lãnh đạo sở GD: Anh Hoàng Trương – Giám đốc; Anh Nguyễn Đức Tấn – Trưởng phòng Phổ thông (về sau khi anh Trương lên PCT tỉnh thì anh Tấn làm GĐ sở GDĐT); anh Huỳnh Huy Cang -Trưởng phòng tổ chức ) bắt đầu một cuộc tìm kiếm, tuyển chọn các GV có tay nghề, có trình độ chuyên môn giỏi từ các trường chuyên nghiệp và trường THPTtrong tỉnh, để về LK đứng cánh một số bộ môn chủ yếu. Từ trường CĐSP về LK: môn Toán có Thạc sĩ Lê Đức Lợi, về sau bổ sung thêm, cô Lê HồngVân ( TN bằng đỏ ĐHSP Qui Nhơn); Về môn Văn có Thạc sĩ Trần Văn Sáu (nguyên là Quyền chủ nhiệm khoa Văn – TV, CĐSP Quảng Ngãi, nguyên là cựu HS trường PTTH chuyên PBC, Nghệ An ), có thầy Nguyễn Tấn Huy (TN bằng đỏ ĐHSP Q.Nhơn); Về môn Lý có Ths Nguyễn Văn Lân, GVDG – thầy Nguyễn Đức Phi; về môn Sinh có GVDG Huỳnh Quốc Thành, GVDG Lê Thị Kim Sơn; về môn Hóa có Ths Lê Thị Thảo (CĐSP); Môn ngoại ngữ có thầy Nguyễn Văn Sơn ( CN Khoa NN – CĐSP); Thể dục QP có GVDG Hồ Ngọc Tuấn. Đội ngũ giáo viên giỏi về sau vẫn liên tục được bổ sung ở nhiều môn, nhằm tăng cường chất lượng đào tạo học sinh chuyên để tham gia các kỳ thi chọn HSG các cấp: Thầy Hoàng Hoa Trại, thầy Trịnh Quang Trình, cô Bùi Kim Hoàng (Toán ); cô Hồ Minh Loan , cô Nguyễn Thị Lệ Thanh (Anh văn); cô Lâm Lệ Hà, cô Trần Thị Thu Hà, cô Xuân Mai (Văn), cô Nguyễn Thị Linh (Địa lý), Thầy Trương Ngọc Thơi, cô Nguyễn Thị Thủy ( Lịch sử ), cô Hà Mộng Thu, Cô Vũ Liên Hương (Hóa). v.v.; đội ngũ GVcũng luôn được sàng lọc qua các kì thi GVDG từ cấp trường đến cấp tỉnh và kết quả bồi dưỡng HSG thu được. Chúng tôi thường gọi đây là những con người khai sơn lập địa, là thế hệ vàng của trường chuyên LK sau ngày tái lập.Từ một HĐGD chỉ có 15 thành viên năm khởi đầu 1990, về sau cứ tăng dần lên 20, rồi 50 đến hơn 100 GV, từ một Chi bộ Đảng chỉ có 3 ĐV đến nay có một Đảng bộ vững mạnh trên 50 ĐV.
Tầm sư học đạo.
Song song với việc học tập bồi dưỡng tại chỗ, sở và trường còn bố trí nhiều lần cho CBQL và GVDG, tổ trưởng chuyên môn, đoàn thể tham gia các chuyến đi học tập kinh nghiệm tại các trường chuyên nổi bật về thành tích BDHSG QG như chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, chuyên Nguyễn Huệ, chuyên Amxtecdam Hà Nội, chuyên Phan Bội Châu Nghệ An, chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, chuyên Lê Hồng Phong TPHCM và các trường chuyên ở đồng bằng sông Cửu Long, .v.v. Sau các chuyến đi ấy, phương hướng, cách thức BD – HSG đã có sự khởi sắc và chuyển biến trên tinh thần học tập sáng tạo các đơn vị bạn để không ngừng nâng cao chất lượng giải Quốc Gia, QuốcTế và vùng miền. Đồng thời trường cũng học tập được các kinh nghiệm quý báu về quản lí, chính sách đầu tư của chính quyền các cấp đối với GV và HS chuyên nhằm đề đạt với tỉnh nhà những chính sách đầu tư cho trường LK chất lượng cao. Thầy học hỏi, trò cũng học tập không ngừng. Học hỏi trường chuyên bạn, HS chuyên LK trong ĐT – HSG cũng bắt đầu tìm hướng đi mới với phương châm: “muốn đánh bắt được cá lớn cần có những chuyến đi xa bờ”. Và thế là thầy trò lại khăn gói lên đường ra Thủ đô, đến các trường chuyên có kinh nghiệm dạy đội tuyển dự thi HSG – QG để được học hỏi kiến thức sâu rộng của các GVDG, GSTS chuyên gia đầu ngành. Đội ngũ cốt cán Tổ trưởng chuyên môn và các GV có kinh nghiệm BDHSG là những nòng cốt trong các chuyến đi “ tầm sư học đạo”. Được sự chỉ đạo ủng hộ của BGH, họ rất hăng hái, nhiệt tình, làm hết sức mình để cho HS chuyên Lê Khiết sánh vai với các HS trường chuyên bạn. Sau các chuyến đi học Bồi dưỡng đó chất lượng giải và số lượng giải QG ngày càng được cải thiện hơn. Chẳng hạn trong 5 năm đầu từ năm học 1998 – 1999 (trường không còn hệ chuyên cấp 2) cho đến năm học 2002 – 2003 trường chỉ đạt số giải QG rất khiêm tốn: 24 giải, nhưng 5 năm tiếp ( 2004 đến 2008 ), Trường đã có 127 HSG – QG. Đặc biệt trong năm học 2005 – 2006, trường đạt 36 HSG – QG, trong đó có 19 HS đạt từ giải 3 đến giải nhất . Riêng bộ môn Ngữ văn 6 HS dự thi có 6 em đều đạt giải (1 nhất, 2 nhì, 3 ba. Em Trần Thị Thi Thơ HS lớp 11 chuyên Văn đạt giải nhất, đạt tỉ lệ 100% và đứng đầu toàn quốc. Trong các năm sau ( từ 1999 – 2000 ) trung bình hàng năm có 20 HS đạt giải QG, từ năm 2000 cho đến nay (2025) số lượng HSG – QG hàng năm đều đạt từ 35 – 40 giải. Điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn khẳng định rằng: Trường THPT chuyên Lê Khiết ngày nay đã đáp ứng được tâm nguyện của của các thế hệ Cha Anh, cựu GV & HSLK khu V cũ, đáp ứng được sự kì vọng của Nhân dân Quảng Ngãi về GDĐT con em tỉnh nhà thành danh, thành đạt trên con đường lập thân, lập nghiệp góp phần không nhỏ vào xây dựng quê hương – đất nước… Âm vang hào hùng của một ngôi trường trung học trên địa bàn“khúc ruột miền Trung” là tiếng vọng vào mái trường chuyên Lê Khiết hôm nay. Hai tiếng Lê Khiết thân yêu là tiếng gọi tha thiết đón chào, mời gọi những HSG trong toàn tỉnh về đây tụ hội để viết tiếp những trang sử vàng hào hùng của một thời hoa đỏ. LK là một thương hiệu có sức lan tỏa diệu kì của miền Trung đất Việt. LK được nhuộm đỏ bởi trái tim nhiệt tình và ý chí cao cả của những con người mở đường hôm nay. Được giảng dạy & học tập dưới mái trường này không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, là lòng biết ơn vô hạn với Đất và Người xứ Quảng thân yêu.
Điểm sáng trong hợp tác Quốc tế.
Trường chuyên LK được tái lập hôm nay chính là chiếc cầu nối bắc qua hai thế kỉ XX –XXI – là thế kỉ của tri thức. Sau 5 năm tái lập, Trường THPT chuyên LK đã có những bước chuyển đầu tiên trong định hướng phát triển GDĐT, đó chính là sự mở rộng các lớp chuyên, môn chuyên. Mở rộng vốn ngoại ngữ là một bước đi khá hấp dẫn, lí thú đối với HS và thầy giáo khối chuyên ngoại ngữ Anh – Pháp. Lúc này trường chuyên LK chỉ có tiếng Anh là môn ngoại ngữ duy nhất. Trong khi đó các trường chuyên khác, nhất là các trường chuyên phía Bắc, họ rất đa dạng mở các lớp chuyên ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật…Vì thế các đội tuyển ngoại ngữ của họ dự thi HSG – QG hàng năm rất phong phú. Trường LK chưa mở thêm các môn ngoại ngữ khác vì không có đủ GV ngoại ngữ.Tuy vậy nhu cầu học thêm tiếng Pháp là nhu cầu thực sự của HS chuyên. Trước mắt là sự mở rộng mô hình song ngữ tại các lớp chuyên Anh, chuyên Văn và một số lớp khác ( tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 ). Để tạo sự hứng khởi trong việc học thêm tiếng Pháp, được sự đồng ý của sở GD và UBND tỉnh, trường LK đã thiết lập mối quan hệ hợp tác văn hóa – giáo dục với trường Henri Bergson (H.B) thuộc tỉnh Angers cộng hòa Pháp (4 – 1995). Lễ kết nghĩa giao lưu giữa hai trường đã được kí kết. Lãnh đạo hai trường đã nhất trí nội dung cam kết qua Bản ghi nhớ : phát triển việc dạy tiếng Pháp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp cho đội ngũ GV tiếng Pháp, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa Pháp – Việt, tuyên dương những HS đạt kết quả cao trong học tập, đặc biệt là môn tiếng Pháp, hai trường tạo điều kiện thuận lợi cho HS qua lại bằng thư từ và chọn HS xuất sắc tiếng Pháp qua Pháp thực hành tiếng & tham quan. Đây là một mô hình nhằm mở rộng quan hệ hợp tác văn hóa – giáo dục. Người ấp ủ cho ý tưởng này từ những ngày đầu tiên tái lập trường là Thầy Đinh Tấn Phước PHT – phụ trách chuyên môn của trường.Trăn trở nhiều năm cho hướng đi táo bạo này của Thầy Phước lúc đầu gặp nhiều khó khăn, do nhiều người can ngăn vì thiếu thực tế. Thế nhưng sự quyết liệt và dám nghĩ dám làm của Thầy Phước đã được sự giúp đỡ hỗ trợ đắc lực của một thầy giáo Lê Khiết cũ. Đó là bác sĩ Hoàng Minh, lúc bấy giờ là chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh. Bác sĩ Hoàng Minh chính là người thầy từng dạy tiếng Pháp tại trường THLK khu V thời chín năm kháng chiến ( Nguyễn Hoàng Minh sinh 1928 , quê Đức Phổ dạy LK từ 1949-1951, tập kết ra Bắc tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội, từng làm Giám đốc BV tỉnh Nghĩa Bình). Hình như trong con nười gầy ốm ấy, khô khan ấy vẫn có một dòng huyết mạch quyết tâm “hồi sinh” những giá trị của LK, bác sĩ HM đã làm việc không biết mệt mỏi, ngày đêm vun đắp cho mối quan hệ hợp tác này. Không chỉ là người đặt nền móng quan hệ giữa hai trường mà bác sĩ HM còn là người phiên dịch tiếng Pháp trong mỗi lần giao lưu kết nối giữa hai trường khi HS và GV Henri Begson và LK qua lại học hỏi lẫn nhau.Với những nỗ lực trên trong việc phát triển bộ môn tiếng Pháp, trường LK (Quảng Ngãi) đã được bộ GD chọn là một trong 20 tỉnh thành trên toàn quốc nằm trong dự án dạy tiếng Pháp thí điểm như nguyện vọng 2 trong giai đoạn 2001 – 2005. Qua các hoạt động kết nghĩa giao lưu giữa hai trường, HSLK càng hưng phấn và có nhiều nỗ lực hơn trong việc rèn luyện tiếng Pháp. Nhằm thắt chặt và củng cố mối quan hệ này, GV và HS đã sang thăm, trao đổi kinh nghiệm học tiếng Pháp, đó là vào những năm 1995, 1996, 1999, 2002. Nhà trường LK cũng đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ của Trung tâm Pháp ngữ tại Đà Nẵng của ĐS quán Pháp. Trong năm 1998 NGƯT – Hiệu trưởng Trần Văn Anh đã sang thăn trường Henri.Bergson. Sau chuyến đi đó mối quan hệ giữa hai trường ngày càng thắt chặt. Trường H. Bergson đã gửi tặng Trường LK 22 kiện hàng trị giá 200 triệu VNĐ, trong đó có những dụng cụ thí nghiệm máy móc rất đắt tiền phục vụ cho các phòng thí nghiệm, thực hành.Thầy Nguyễn Tấn Cường là GV dạy tiếng Pháp của LK- trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường, thầy đã được 2 lần sang Pháp bồi dưỡng chuyên môn và để trao đổi kinh nghiệm phương pháp giảng dạy tiếng Pháp cho HS trung học. Lần thứ nhất ( vào năm 2000) 5 tháng tại trường Henri.Bergson TP Angers và vùng Pays de la Loire. Lần thứ hai (vào năm 2002) 2 tháng tại trường ĐH Caen vùng Baae Normandie trong chương trình bồi dưỡng hè của Bộ GDĐT. Hai lần sang Pháp đã để lại nhiều kỉ niệm và ấn tượng khó khó quên đối với thầy Nguyễn Tấn Cường. Qua những chuyến đi ấy, thầy có thêm cơ hội để học hỏi, trau dồi vốn tiếng Pháp để giao lưu phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt là sau hai lần đi ấy đã tạo thêm cho thầy niềm tin trong công viêc, trong nhiều mối quan hệ bạn bè quốc tế mà cho đến hôm nay vẫn còn giúp ích nhiều cho thầy trong học tập rèn luyện giảng dạy tiếng Pháp tại trường chuyên LK. Cũng từ mối quan hệ hợp tác quốc tế này, trường có nhiều HS giỏi tiếng Pháp : HS Huỳnh Thị Ngọc Ánh(1992 – 1995) là HS giỏi xuất sắc môn Tiếng Pháp ( đã từng là cộng tác viên của tờ báo Le Courrier), đã từng được phía H.B mời sang Pháp 6 tháng thực hành tiếng và giao lưu với HS trường H.B. Đó là những tháng ngày em được ăn ở sinh hoạt cùng với gia đình, phụ huynh, HS người Pháp của trường H.B. Đó chắc chắn là những năm tháng không thể nào quên của cuộc đời HSLK. Mối quan hệ này giữa hai trường đã tạo một động lực không nhỏ cho các em HS LK trên con đường tu nghiệp. Đặc biệt là những HS luôn biết chăm lo cho vốn ngoại ngữ tiếng Pháp sẽ là cú hích lớn cho con đường lập nghiệp sau này. Các em Nguyễn Thị Hạnh (12 Anh 1998 – 1999) đã từng làm việc tại các công ty liên doanh Pháp – Việt TP.HCM; Em Lê Thị Hoài (12 Anh 2000 – 2001) đã từng tốt nghiệp khoa tiếng Pháp tại trường ĐHKHXHNV- TP.HCM và có việc làm ổn định. Em Lê Trần Thế Duy – 12 Lý đã từng giảng dạy tại ĐHSP – TP.HCM, sau đó đi du học tại Pháp và các nước có sử dụng tiếng Pháp, rồi sang Mỹ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Hoa kỳ. Em Đặng Thế Nghị (12 Toán, 2000 – 2003) đã từng học tại trường ĐH Sorbonnne Paris. Em Lê Thị Kim Phụng (12 Toán, 2003 – 2004) đã từng tu nghiệp tại ĐH Rouen – Pháp… Một đặc điểm chung của các em HS này là ngoài giỏi chuyên môn còn là những HS rất giỏi song ngữ Anh – Pháp. Và đó cũng là kết quả tích cực từ mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa H.B và LK.
Sau ngày tái lập trường LK , có thể xem đây là điểm sáng mà thầy trò trường chuyên LK đã có những sáng tạo đáng kể trong GDĐT. Có thể nói, thế hệ thầy trò LK hôm nay cũng không đến nỗi hổ thẹn với thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ LK hôm nay xin được bày tỏ lòng biết ơn và tri ân chân thành tới sự quan tâm của Đất và Người xứ Quảng – miền quê của Núi Ấn Sông Trà thân thương.
6. Những ngôi sao sáng trên bầu trời Lê Khiết.
Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 7 – 2007”.
Người Lê Khiết còn nhớ mãi buổi sáng ngày 1- 4 – 2007 tại sân trường về buổi truyền hình trực tiếp do VTV3 Đài THVN tổ chức Chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 7 năm 2007. Đây là cuộc thi thường niên dành cho HS bậc THPT hội tụ những phẩm chất, năng lực, tài trí thông minh, bản lĩnh của nhà “leo núi” tri thức. Để đến với trận chung kết cuối cùng các nhà “leo núi” phải vuợt qua các cuộc thi đạt nhất tuần – nhất tháng – nhất quý. Cuộc thi này kéo dài trong suốt một năm ( từ tháng 5 năm này đến tháng 5 năm sau), có tất cả 144 thí sinh. Riêng Chung kết lần thứ 7 chỉ có 140 thí sinh ( do có trận tuần thứ 3 – tháng 2 – quý 1 bị hủy bỏ vì lỗi đáp án ). Trận Chung kết này cho đến nay vẫn còn để lại nhiều dư âm dư vị…
Ê kíp VTV3 truyền hình VN di chuyển đến Quảng Ngãi khá sớm. Nhiều người chưa biết cụ thể điểm cầu tại trường chuyên LK Quảng Ngãi. Khi đến Thị xã Tam kỳ (Quảng Nam ) họ hỏi đường về trường chuyên LK. Dân ở đấy không biết, hóa ra họ cứ tưởng Quảng Nam là Quảng Ngãi. Thú thực người nơi khác ở xa họ ít biết đến vị trí địa danh Quảng Ngãi. Sau một thời gian dò tìm hỏi đường họ mới đến đúng điểm cầu trực tiếp tại trường chuyên LK. Chuyện vui mà cũng là chuyện buồn thật “khiêm tốn”cho địa danh tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ.
Tháng tư mới chỉ đầu hè, thế nhưng buổi sáng ngày đầu tháng rất nóng bức, cái nóng củả miền Trung. Chao ôi là nắng miền Trung, nắng chi như nấu như nung cả ngày. Sân trường LK lại càng oi bức hơn khi HS toàn trường đã được nghỉ học để tham gia cổ vũ cho “nhà vô địch”. Giữa sân trường là một màn hình TV lớn của nhà tài trợ chương trình. Những bóng phượng, bóng bàng, bóng xà cừ vẫn không đủ che mát cho HS toàn trường, có thêm PH, cư dân xung quanh đến xem. Quả là một ngày hội lớn với không khí phấn khởi tự hào của thầy trò qua tiếng reo hò, tiếng hô vang “LK vô địch! LK vô địch!” làm dậy sóng cả mảnh đất Gò Chùa. Hôm ấy, MC chính dẫn chương trình tại điểm cầu LK là anh Nguyễn Hồng Phúc ăn mặc rất bắt mắt và giọng nói ấm áp rất chuẩn, rất bình tĩnh, thế mà cuối buổi vẫn khản cả giọng nói vì không thể lấn át được cả cầu trường dậy sóng như muốn vỡ tung. Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, mọi người có mặt được cảm nhận một trận chung kết lịch sử, từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, từ hồi hồi hộp, lo âu đến niềm vui vỡ òa sung sướng qua 4 chặng đường của 4 nhà leo núi ( Khởi động – Vượt chướng ngại vật -Tăng tốc – Về đích). Bốn chặng đường, chặng nào cũng chông gai gian nan, có bình tĩnh có hồi hộp, lo lắng vì bên cạnh mình còn có 3 nhà leo núi khác đều là về nhất của mỗi quý. Họ không hề kém cạnh.
Vận động viên “leo núi” của trường LK chúng ta là bạn Lê Viết Hà – HS chuyên Toán niên khóa 2004 – 2007. Bạn Hà đã vượt qua chặng đường dài của thi Tuần, thi Tháng, thi Quý và bây giờ đang ngoạn mục khẳng định mình của trận đấu cuối cùng. Ai từng chứng kiến buổi sáng hôm ấy không khỏi bị “rung lắc” khi bước vào phần thi “Về Đích” ngoạn mục của thí sinh Lê Viết Hà. Đó là sự tranh chấp từng câu hỏi, từng điểm số, có khi nhanh trí, có khi bình tĩnh, có khi hụt hẫng và cuối cùng là vỡ òa trong cảm xúc chiến thắng. Nhìn LVH bước lên đài vinh quang, nhận vòng nguyệt quế từ BTC trong niềm vui khôn xiết của chiến thắng tuyệt đối với tổng số điểm 210 bỏ xa đối thủ thứ hai gần 100 điểm Nguyễn Đức Giang (Hải Dương) lúc này chỉ mới 120 đ. Nhìn bảng điểm qua 4 chặng leo núi sau đây của 4 nhà leo núi năm 2007, chúng ta mới thấy niềm tự hào về Lê Viết Hà, về HS chuyên Lê Khiết thân yêu.
Tên thí sinh | Tên Trường | Khởi động | Vượt CNV | Tăng tốc | Về Đích | Tổng
điểm |
Trần Việt Phú (nhất quý 3) |
THPT Kim Sơn- Ninh Bình | 20 | 10 | 100 | -50 | 80 |
Lê Viết Hà
( nhất quý 1) |
THPT Chuyên Lê Khiết-
Quảng Ngãi |
30 | 40 | 120 | 20 | 210 |
Nguyễn Đức Giang
( nhất quý 4) |
THPT Nhị Chiểu-Hải Dương | 30 | 50 | 30 | 10 | 120 |
Trần Thị Thu Hà (nhất quý 2) | THPT Nguyễn Xuân Ôn- Nghệ An | 30 | 30 | 60 | -70 | 50 |
Ấn tượng nhất ở trận chung kết sáng 1 – 4 đối với người xem, đó là khả năng xử lí kiến thức bằng tư duy cực kì nhanh như điện và bình tĩnh của em Hà. Đột phá nhất của Hà là ở phần “tăng tốc”. Các câu hỏi được MC đưa ra rất hóc búa, nhưng em vẫn bình tĩnh, xử lí rất nhanh, quá chính xác, thậm chí có câu hỏi vừa được MC đưa ra, chỉ sau 0,1 giây, em đã bấm chuông trả lời, liên tục có điểm để đưa phần này của mình lên 120 đ (vượt lên trên các bạn còn lại). Đến phần cuối “ về đích”, Phú bị trừ tới “âm” 50 đ. Thế là Lê Viết Hà thảnh thơi phần về đích vì hai bạn Thu Hà và Đức Giang số điểm còn rất thấp. Khán giả nhìn lên bảng tổng điểm trên màn hình thì biết quán quân chung kết lần 7 đã thuộc về trường chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi. Lúc này cả sân trường vỡ òa trong nhiều cảm xúc, mũ nón rồi bóng bay cùng tung lên trời hòa lẫn tiếng gào thét sung sướng “Lê Khiết vô địch! Lê Khiết vô địch”, tiếng thét gào như muốn nổ tung màn hinh tivi… Nhiều HS ôm chầm lấy nhau, nhiều thầy cô giáo bắt tay hoan hỉ sung sướng. Có lẽ đó là kỉ niệm, là dấu ấn khó quên nhất với người Lê Khiết. Vì từ đó đến nay chúng ta chưa có được cái cảm giác sung sướng lần thứ 2 của sân chơi trí tuệ này dành cho tuổi trẻ. Theo thầy Phạm Ngọc Châu (GV Toán được trường cử đi cùng em Hà ra Hà Nội) kể lại: Ngay trong tối hôm ấy, Đài THVN mở tiệc chiêu đãi tại khách sạn 5 sao Deawoo có các bạn LK đang học ở Hà Nội, có người nhà, có cổ động viên Quảng Ngãi ra Hà Nội cùng ôm nhau nhảy múa và hát vang bài ca “ Quảng Ngãi trong tôi” của nhạc sĩ Đình Thậm. Với tôi ( PNC) đó là giờ phút hạnh phúc sung sướng nhất của người thầy đưa HS ra “Kinh ” dự thi.
Với phần thưởng học bổng 350.000 USD, Hà được đi du học ở Úc. Thời gian học ở Úc, bạn đã hoàn thành hai bằng cử nhân và sau đó theo học bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Năm 2017, Hà trở về quê hương miền Trung sau nhiều năm xa cách. Lúc bấy giờ và các kì chung kết sau, Hà thuộc trong số rất ít thí sinh du học xong trở về nước phục vụ.
Giải nhất Quốc gia môn Văn duy nhất cho đến nay.
Từ ngày tái lập đến nay, khi trường LK tham gia kì thi HSG – QG hàng năm, phần lớn giải ở các môn tự nhiên, ngoại ngữ, còn môn Ngữ Văn chỉ dừng lại ở giải ba hay khuyến khích . Vì đây là cuộc thi danh giá nhất, khó khăn nhất, phải thực sự giỏi, có năng khiếu, đòi hỏi HS – THPT phải khẳng định đựợc mình nhiều nhất. Trong số các kì thi HSG – QG của trường, thì kì thi 2005 – 2006 là kì thi nổi bật trong khoảng 15 năm đầu tái lập. Vì đây là kì thi có số lượng đạt giải cao nhất, 36 giải toàn trường. Đặc biệt với môn Ngữ Văn có 6 HS dự thi đều đạt giải (100%) trong đó có 1 Nhất, 2 Nhì, 3 Ba, dẫn đầu toàn đoàn bộ môn Ngữ Văn trong cả nước. Có lẽ đây là kì tích “một đi không trở lại” của môn Ngữ Văn, là niềm phấn khích tự hào của thầy trò các lớp chuyên Văn. Quả đúng vậy, cho đến bây giờ lịch sử đó không lặp lại. Trong số HS chuyên Văn đạt giải năm ấy, mọi người vẫn không quên người học trò nhỏ Nguyễn Thị Thi Thơ đang học lớp 11 chuyên Văn, đạt giải Nhất Quốc gia kì thi 2005 – 2006. Cô học trò lớp 11 chuyên Văn sinh ra trong một gia đình bình thường. Mẹ là GV – THCS, bố là một quân nhân. Theo lời của mẹ Hoa kể lại : từ nhỏ bắt đầu học Tiểu học, Thi Thơ là một cô bé có tâm hồn gần gũi yêu thích ruộng vườn, nếp nhà nhỏ của gia đình. Lớn lên học THCS, năng khiếu yêu thích nghệ thuật đã được bồi đắp bởi mẹ em cũng là một GV Văn. Khi vào học trường chuyên, Thi Thơ đã tỏ ra nổi trội so với chúng bạn và được cô Xuân Mai vừa là giáo viên giỏi vừa là chủ nhiệm lớp bồi đắp thêm khả năng cảm thụ, lập luận phân tích văn học. Cô Xuân Mai vừa dạy giỏi lại vừa đàn hát rất hay, vì thế giờ dạy của cô bao giờ cũng có trợ giảng nên HS rất lí thú. Chọn Thi Thơ vào đội tuyển khi đang học lớp 11, cô tự tin vào khả năng đột phá của học trò mình chủ nhiệm. Sau đợt đưa đội tuyển ra Bắc học tập bồi dưỡng dự thi QG, tại đây em và các bạn trong đội lại được các GSTS bồi dưỡng thêm Kĩ năng làm bài thi Ngữ văn, thi HSG – QG và khả năng chiếm lĩnh kiến thức Lí luận Văn học để vận dụng vào bài thi. (điều mà đa số HS chuyên Văn còn yếu ). Nhân dịp trường chuyên LK kỉ niệm 70 năm thành lập (2015), Thi Thơ có về tham dự, khi được hỏi về bài thi giải Nhất, em khiêm tốn kể lại rằng: Thực ra phần đóng góp của em chỉ là rất nhỏ, phần lớn là nhờ sự chăm lo bồi dưỡng của các thầy cô giáo trong tổ Ngữ văn như thầy Huy, thầy Sáu, cô Mai, cô Lệ Hà , cô Thu Hà, cô Dung…Đặc biệt là chuyến đi ra Bắc cùng với thầy Sáu, thầy Huy, chuyến đi mà cả 6 chị em trong đội tuyển rất hứng thú với các bài giảng chuyên đề của các GSTS đầu ngành ở Hà Nội bồi dưỡng thêm. Thầy Sáu Tổ trưởng vẫn hay nói đùa với các em là muốn có cá lớn thì phải đánh bắt xa bờ.
Điều đáng nói hơn là sau khi tốt nghiệp THPT, Thi Thơ chọn Trường ĐH cho tương lai của mình là ĐHSP – TP.HCM chuyên ngành Ngữ Văn. Em muốn trở thành cô giáo dạy môn Văn mà mình yêu thích từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Thi Thơ cũng hoàn thành xong đào tạo Thạc sĩ Ngữ Văn và được nhận về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM. Đây cũng là bước chuyển giao thế hệ của những người thầy – trò yêu thích môn Văn của trường chuyên. Bồi hồi, xúc động khi trở về thăm lại mái trường xưa Lê Khiết, cô học trò lớp 11 chuyên Văn đạt giải nhất QG năm ấy và bây giờ đang là cô giáo dạy Văn tại một trường chuyên khác không kiềm chế được nỗi nhớ trường xưa, lớp cũ, bạn bè cùng trang lứa đã tung cánh muôn phương, khắp các nẻo đường của Tổ Quốc. Với Thi Thơ, ngôi trường Lê Khiết thân yêu này chính là sân bay đầu tiên đưa em vào đời và mỗi lần đi qua cổng trường LK, âm vang bài hát của một nhạc sĩ nổi tiếng nguyên là người học trò cũ của trường LK năm xưa sáng tác cứ vang lên náo nức trong tâm hồn bao thế hệ học trò LK hôm nay.
“ Ngày ngày tôi đi qua cổng
trường thân yêu ,
Tên trường Lê Khiết nói với tôi
bao điều
Tự hào miền quê ta Núi Ấn
Sông Trà
Rạng ngời gương hi sinh vì nước
non nhà
Trường Lê Khiết bao mến thương….”
(Trương Quang Lục- tứ niên B1/48-49-Kĩ sư, Nhạc sĩ- Hội nhạc sĩ VN)
7. Những trí thức trẻ tiến vào thế kỷ XXI.
Huy Chương Bạc Toán Quốc tế Trần Văn Nghĩa.
Nghĩa sinh năm 1981 tại Quảng Ngãi, là HS chuyên Toán niên khóa 1996 – 1999. Cho đến nay, có lẽ đây là tấm HC Bạc danh giá của học sinh LK đạt được từ khi trường LK trở lại trong lòng nhân dân Quảng Ngãi. Nói như vậy để thấy giá trị của sự phấn đấu, cống hiến của mỗi cá nhân cho sự lan tỏa hương sắc Lê Khiết. Cậu học trò ở xã Nghĩa Thương được nuôi dưỡng trong một gia đình công chức bình thường có môi trường sư phạm tốt. Bố là GV dạy Toán THCS, mẹ là GV Tiểu học trường làng. Ước mơ của Nghĩa khi còn học cấp 2 là sau này được vào học tại trường chuyên LK. Ước mơ đó không chỉ đã trở thành sự thật với Nghĩa mà kì thi vào 10 năm ấy ( 1996-1997) Nghĩa còn là Thủ khoa. Cũng từ đây em được vào lớp chuyên Toán của trường và từng bước Nghĩa thực hiện các ước mơ hoài bão của tuổi trẻ. Ba năm liền em là HSG cấp Trường, lớp 11 là HSG cấp tỉnh, cũng năm đó Nghĩa đạt giải KK môn Toán Quốc gia. Đặc biệt năm lớp 12 em vừa đạt giải Nhất Toán cấp tỉnh và giải Nhì Toán QG, đồng thời em đựợc tuyển chọn vào đội thi Toán quốc tế của VN dự kì thi Toán quốc tế lần thứ 40 tại Rumani. Nhìn những bước tiến trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức của Trần Văn Nghĩa, cùng với việc giành được tấm Huy Chương Bạc Toán Quốc tế danh giá để thấy rằng: thành tích mà em đạt được là sự cộng lại cả một quá trình tu dưỡng học tập, phấn đấu không mệt mỏi để chinh phục đỉnh cao tri thức. Cũng cần nói thêm Nghĩa là HS lớp chuyên Toán được các thầy cô giáo dạy giỏi môn Toán chăm lo bồi dưỡng đào tạo theo một quá trình bài bản dài hạn. Người cùng Nghĩa sang Rumani năm ấy là Thầy Hoàng Hoa Trại (thầy đã mất năm 2005 hưởng dương 53 tuổi) thầy vừa là Tổ trưởng chuyên môn vừa trực tiếp bồi dưỡng đào tạo vừa đưa em ra Hà Nội để học bồi dưỡng thêm trước khi bay sang trời Âu đấu trí đấu lực với bạn bè Quốc tế. Đó là những kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí của Nghĩa. Những tháng ngày hai thầy trò rong ruổi từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội sang châu Âu đã cho em nhiều kỉ niệm đẹp về tuổi học trò ở LK. Dù bất cứ lúc nào ở đâu, trong hoàn cảnh nào, dù ở VN hay sang châu Âu, thầy Trại luôn sát cánh bên em vừa động viên vừa nhắc nhở chuyện thi cử vừa kể nhiều chuyện vui giải các bài Toán Quốc tế…
Sau tấm HCB Toán, Nghĩa được tuyển thẳng vào hai trường ĐH, nhưng em chọn khoa CNTT của trường ĐHKT – TP.HCM nhằm có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống. Dù ở môi trường học tập nào, với Nghĩa, con đường tri thức không bao giờ dừng bước nửa chừng. Hai tháng sau khi vào ĐH, em đăng kí thi tuyển và dành được một suất du học ở Úc. Môi trường mới cũng là chuyên ngành CNTT tại trường ĐH tổng hợp danh tiếng New South Wwles. Kết quả 4 năm nghiên cứu miệt mài, Nghĩa đã tốt nghiệp với tấm bằng Danh dự (bằng cao nhất dành cho SV xuất sắc). Với tấm bằng này, Nghĩa được tuyển thẳng lên học chương trình Tiến sĩ. Và từ đây chân trời tri thức rộng mở đối với cựu HS trường chuyên LK. Và cũng từ đây, hi vọng bạn sẽ cống hiến được nhiều cho đất nước quê hương trên con đường Hội nhập và Hòa nhập Quốc tế.
TS Trần Thái An Nghĩa, niên khóa 1999 – 2002.
Trưởng thành từ lò đào tạo HS năng khiếu của trường chuyên Văn Toán cấp 2 Thị xã Quảng Nggãi, TTAN thi tuyển sinh vào hệ THPT của trường chuyên LK và được xếp vào học lớp chuyên Toán 2. Ngôi trường này vốn cũng rất thân thuộc với TTAN (Đó là mái trường chuyên cấp 2 – 3 Lê Khiết), cho nên những ngày tựu trường với em không còn bỡ ngỡ. Vì thế, TTAN đã hòa nhập rất nhanh với các bạn cùng trang lứa và trở thành một trong những HS giỏi của lớp do cô Hà Thị Mộng Thu – GVG Hóa làm chủ nhiệm. Với TTAN kỉ niệm khó quên trong cuộc đời HS ở trường chuyên là khi cái đầu “húi cua”của cậu đã trở thành điểm nhấn của lớp T2. Tâm lí trẻ tuổi thích sự khác biệt với chúng bạn chứ cũng chẳng phải ngổ ngáo hay quậy phá, hư hỏng gì.
Tuy vậy, sau sự kiện “khác bạn này”, cậu HSG Toán của lớp cũng được cô giáo CN lớp gọi lên nhắc nhở để tạo sự hòa đồng trong tập thể. Những năm tháng sau này khi trưởng thành, sống ở Hoa kỳ, TTAN vẫn đau đáu một tấm lòng hướng về quê hương VN, hướng về Quảng Ngãi nơi chôn nhau cắt rốn thân thương, nơi có mái trường Lê Khiết – cái nôi đầu đời nuôi lớn những đam mê, ước mơ và đã cho em một hành trang vào đời. Năm 2015, trường kỉ niệm 70 năm thành lập, TTAN có tâm sự đôi dòng trên trang “Kỉ yếu”: với tôi, trường THPT chuyên LK là một niềm tự hào to lớn. May mắn lớn nhất trong cuộc đời tôi khi còn là HS Trung học là đã được học với những người thầy cô dạy giỏi tận tâm với nghề như thầy: Đoàn Hiển, thầy Phạm Văn Ngữ, thầy Hoàng Hoa Trại, cô Hà Mộng Thu…; Đó không chỉ là những người thầy giỏi về chuyên môn mà còn rất tận tình, rất hiểu tâm lí học trò, sẵn sàng tha thứ khi trò biết lỗi và sửa chữa. Cuộc sống ở xứ sở “cờ hoa” vốn rất đầy đủ, nhưng TTAN vẫn không quên được món ram bắp tuyệt vời trong buổi liên hoan taị nhà cô CN lớp năm nào. Theo Nghĩa đó là món “ngon nhất thế giới” đi suốt cuộc đời mình dù ở đâu.
Năm học lớp 11 T2, Nghĩa đã đạt giải KK môn Toán QG. Đến năm 12, em đạt giải Nhì QG môn Toán. Trước đó, Nghĩa đã từng đạt HCV Olympic miền Nam, giải Nhì cuộc thi giải báo Toán học Tuổi trẻ, giải Nhất kì thi HSG Toán cấp Tỉnh. TTAN được tuyển thẳng vào trường ĐH như một sự thẩm định, đánh giá chính xác những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ trong môi trường của trường chuyên. Sau khi Tốt nghiệp ĐHSP – TP. HCM, TTAN được giữ lại làm Giảng viên khoa Toán của trường. Không dừng lại ở đó, năm 2008, TTAN còn nhận được học bổng toàn phần của chương trình Tiến sĩ Toán của ĐH Wayne State Hoa kỳ và tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2013. Năm 2014, TTAN cũng đã hoàn thành chương trình Sau Tiến Sĩ tại ĐH British Columbia Canada. Hiện tại, anh là Trợ Giáo sư khoa Toán và Thống kê – ĐH Okland Hoa kỳ. TTAN còn là tác giả của hơn 20 công trình nghiên cứu về Giải tích biến phân và Lý thuyết Tối ưu được đăng trên Tạp chí chuyên ngành xếp hạng cao trên thế giới.
Cái đáng tự hào của Nghĩa không chỉ là sự thành danh trên lĩnh vực trí tuệ khoa học mà ở em cái đáng trân trọng và quý mến còn là sự tâm huyết với Giáo dục và luôn hướng về quê hương cội nguồn. Sau khi ra trường, Nghĩa vẫn thường xuyên quan tâm về Lê Khiết. Đó là những chuyến viếng thăm về lại trường chuyên cũng như trường ĐHSP – TP.HCM để trò chuyện, trao đổi bồi dưỡng HSG. Đó là những lần gặp gỡ bổ ích và lí thú đối với HS & SV về cơ hội du học, trao đổi kinh nghiệm học tập hay chia sẻ những thông tin bổ ích lí thú tạo được niềm đam mê hứng khởi trong quá trình tu nghiệp. Ngay cả khi còn là HS lớp 12 T2, TTAN luôn được bạn bè yêu quý, tín nhiệm vì tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ bạn bè vươn lên trong học tập. Chính vì vậy, tập thể T2 đã đóng góp không nhỏ vào chất lượng đội ngũ HS chuyên LK trưởng thành và thành đạt. Ngoài Nghĩa, một số bạn của Nghĩa trong lớp T2 cũng rất thành đạt như: TS Nguyễn Huy Cung (Đại học Geenoa- Itali); TS Vương Như Khuê (Đại học QG Singapore); TS Ngô Quốc Hiển (ĐH Linkopings Thụy Điển).v.v.
Có thể nói: Cùng với Trần Văn Nghĩa. Trần Thái An Nghĩa đã tạo được một cặp “song Nghĩa” có giá trị của cựu HS trường chuyên Lê Khiết sau ngày tái lập. Các bạn ấy xứng đáng là những ngôi sao sáng rạng ngời, tỏa ánh hào quang cho mái trường chuyên không chỉ trên quê hương mình sinh ra và ngay cả trên diễn đàn Thế giới.
Những Đảng viên đầu tiên lứa tuổi HS – THPT.
Trường THLK trước đây đã thành công trong việc đào tạo một Đội ngũ trí thức Cách mạng đầu tiên phục vụ cho chế độ VNDCCH sau 1945. Lúc bấy giờ, đội ngũ thầy giáo hay HS trưởng thành từ môi trường học đường Lê Khiết đều xác định vừa cầm bút vừa cầm súng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho kháng chiến. Vì vậy dù là đang ngồi trên ghế lớp học hay đang đứng trên bục giảng, Người Lê Khiết đều sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Cho nên nói không quá lời, Trường THLK khu V là một “Trường học Cách mạng”. Ngày nay, khi tái lập trường, quan điểm chung của tổ chức Đảng là phải đào tạo HSLK trở thành những người con ưu tú “vừa hồng vừa chuyên”. Cho nên“hồng thắm – chuyên sâu” là mục tiêu, là phương hướng xuyên suốt sự chỉ đạo của Chi bộ đảng trực thuộc và của Đảng bộ nói chung. Rất và rất nhiều Đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng ngay khi còn học tại trường, hoặc hồ sơ kết nạp Đảng viên mới được chuyển về trường vào ĐH, nơi mà HS trúng tuyển. Tiêu biểu nhất trong số Đảng viên trẻ, đáng kể nhất có HS Trương Trọng Vũ.
Trương Trọng Vũ là HS lớp chuyên Lịch sử và cũng là HS đầu tiên được kết nạp Đảng khi còn là HS – THPT của Tỉnh Quảng Ngãi. Ở HS này có hai tố chất cần được khẳng định là rất giỏi về chuyên môn và cũng rất gương mẫu, tiên phong, có phẩm chất chính trị tốt của một người Đoàn viên TNCS – HCM. TTV là HS niên khóa 2002 – 2005. Vũ thuộc thế hệ lớp HS chuyên Sử đầu tiên của trường LK nhằm hiện thực hóa một chủ trương đúng đắn của Bộ GD – ĐT thi chọn HSG – QG môn Lịch sử từ năm học 1996 – 1997. Với quan điểm và tầm nhìn lâu dài của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, vì vậy các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng Đội tuyển. TTV được tuyển chọn vào đội tuyển tham gia Kì thi Olympic 30/4 toàn miền Nam và em giành được tấm HCĐ quý giá vào năm 2002. Một năm sau (lớp 11) em giành luôn tấm HCV Olympic và là thủ khoa của kì thi. Cũng năm đó, lần đầu tham gia thi HSG – QG, em đã giành được giải Nhì QG. Theo đà thăng tiến, đến năm lớp 12, TTV giành được giải Ba QG môn Lịch sử. Suốt ba năm học tại LK, TTV đã giành được 2 tấm Huy Chương Olympic, trong đó có 1 HC vàng và 2 lần đạt giải HSG – QG, trong đó có 1 giải Nhì. Thành tích đó đã làm cho bộ môn Lịch sử của trường thêm rạng ngời, số lượng HS thi vào lớp chuyên Sử ngày một đông hơn. Đây cũng chính là động lực để tăng thêm sự khích lệ thầy cô giáo dạy Lịch sử. Trên những thành tích kết quả học tập gặt hái được, TTV đã được Chi bộ KHXH đề nghị Đảng bộ trường chuyên LK kết nạp em vào ĐCSVN. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Vũ được chọn làm Giám đốc bộ phận Tín dụng thương mại, ngân hàng Standard Charted chi nhánh Singapore. Dù nhiều năm công tác làm việc ở nước ngoài nhưng em luôn hướng về trường xưa lớp cũ để thăm hỏi động viên các em thế hệ chuyên Sử sau này. Đã nhiều lần, nhiều năm Vũ gửi về những suất học bổng quý giá cho HS chuyên Sử đạt giải QG. Tấm gương của TTV đã khích lệ HS chuyên Sử noi theo. Mới đây nhất, em Phạm Thị Kiều Vân, lớp 12 chuyên Sử đã đạt giải Nhất kì thi chọn HSG Quốc Gia năm học 2024 – 2025.
Sau TTV là HS Nguyễn Thị Giáng My lớp chuyên Văn niên khóa 2008 – 2011 cũng là HS xuất sắc toàn diện trên nhiều lĩnh vực học tập và công tác đoàn thể XH và được Chi bộ KHXH kết nạp vào Đảng CSVN. Có nhiều tấm gương sáng của HS LK trong học tập và tu dưỡng, các em đem lại ánh hào quang cho nhà trường sau ngày tái lập. Đã 35 năm hồi sinh, trường THPT chuyên LK đã đi được hơn một phần ba thế kỉ – một chặng đường chưa phải là dài so với lịch sử một ngôi trường. Ở lứa tuổi ngoài 30, cái tuổi chín chắn nhất, phồn thịnh nhất của một đời người, trường LK đã vươn mình trong ánh hào quang rực rỡ của thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Thầy và trò hôm nay của trường đã được kế thừa một di sản quý báu của Trường THLK khu V trong kháng chiến. Đó là truyền thống đào tạo giáo dục những người con “vừa hồng vừa chuyên”- Hồng thắm chói lọi trong mỗi trái tim khi được lí tưởng Cách mạng soi chiếu con đường đi tới tương lai, họ lại chuyên sâu trong nắm bắt tri thức khoa học của Thời đại mới để phục vụ Đất nước, phục vụ Nhân dân. Đất và Người Lê Khiết hôm qua và hôm nay như một mối lương duyên, một sự kế thừa, gắn kết, tiếp bước và phát huy vươn tới đỉnh vinh quang của kỉ nguyên tri thức. Không và cũng không thể nói hết những cống hiến của thầy trò trường LK cho đất nước, cho nhân dân tỉnh nhà. Trong khuôn khổ của những dòng cảm xúc miên man, người viết cũng không có ý tưởng dựng lại toàn bộ mảnh đất và con người LK đã đi vào lịch sử hào hùng của khu V trong chiến tranh chống Pháp trước đây. Đơn giản, đây chỉ là âm vang của dòng lịch sử tha thiết gọi ta về. Sông Trà, sông Vệ, sông Trà Bồng… không chỉ là sự tô điểm cho Đất và Người Quảng Ngãi mà nó còn là chứng nhân của lịch sử chứng kiến biết bao nhiêu sự đổi thay của miền quê, của ngôi trường này. Tuy nhiên, trong sự đổi thay của XH, qua các thời kì khác nhau, nơi đây vẫn có một dòng chảy không thay đổi, đó là dòng chảy của tri thức, của văn hóa luôn luôn được nối tiếp và thăng hoa của con người xứ sở này.
Phần III. NGƯỜI TRỞ LẠI
Năm nay ( 2025), chúng ta long trọng kỉ niệm 80 năm thành lập Trường Trung học Lê Khiết. Tám mươi năm, gần trọn một thế kỉ của một ngôi trường, kể từ khi thành lập (1945) cho đến năm tái lập (1990) và đến thời điểm này (2025). Giữa hai thời gian đó là một khoảng lặng của lịch sử chiến tranh bom đạn mà đất nước bị chia cắt hai miền, cổng trường tạm thời đóng cửa (1955-1975). Tuy vậy trong khoảng lặng ấy, mầm sống “diệu kì” của LK vẫn âm ỉ trong lòng người yêu quê hương. Nó tựa như ý chí thống nhất đất nước vẫn không bao giờ nguôi cạn trong lòng người mẹ miền Nam yêu nước “ Con ra thưa với Cụ Hồ / Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”.Và cho đến ngày non sông liền một dải, ngọn cờ vàng sao ấy đã tung bay trên khắp chốn đô thành cho đến vùng quê hẻo lánh ở miền Nam. Và trên mảnh đất Gò Chùa, giữa lòng thành phố Quảng Ngãi, trên sân trường chuyên LK, lá cờ đỏ sao vàng ấy đã tung bay trên tượng đài cụ Lê Khiết. Hiển nhiên, người dân Quảng Ngãi đã chứng kiến sự trở lại của một ngôi trường tưởng chừng như bị lãng quên vì chiến tranh chia cắt. Ngôi trường ấy lại mở cửa đón các thế hệ HS – Thầy cô giáo mới trở lại lớp học, trở lại bục giảng thân quen. Nhà thơ Tố Hữu đã từng tâm sự về sự tiếp nối truyền thống của con người Việt Nam:“Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.Thế hệ thầy trò LK hôm nay đến trường chuyên không chỉ là niềm tự hào vinh dự lớn lao mà họ còn gánh vác trách nhiệm nặng nề với cha anh với lịch sử. Họ sẽ viết nên những truyền thống mới, tô điểm cho ngôi trường từng là niềm tự hào của Đất và Người miền Nam Trung bộ trong buổi đầu của thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh – thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc.
Tôi trở lại sân trường chuyên LK vào một buổi chiều cuối đông năm 2024 sau gần 10 năm rời xa bục giảng và đã bỏ lại viên phấn trắng thân quen. Nếu tính cả thời gian đã giảng dạy tại trường chuyên cho đến nay cũng đã hơn 30 năm gắn bó không thay đổi nơi mảnh đất này. Người ta thường nói: đã sống nơi đất khách 20 năm rồi thì đất khách thành đất người. Với người xa xứ như tôi, đất khách không chỉ là quê người mà còn là quê mình, là máu thịt, là mồ hôi, nước mắt, là cả một thời trai trẻ mình đã sống tận tâm và tận hiến cho đến hôm nay. Trở lại ngôi trường thân quen, nơi lớp học, sân trường, hàng ghế đá thân thuộc…, dường như có một cảm xúc của quá khứ ùa về trong tâm thức người trở lại. Hàng cây xanh tỏa bóng mát giờ đã trút lá, trơ lại những cành khẳng khiu vạch ngang dọc giữa bầu trời mùa đông u ám. Hình như trong những cành cây, thân cây ấy đang tích tụ nhựa sống, mầm non tràn trề để chuẩn bị đâm chồi non lá biếc đón chào những tia nắng đầu tiên của một mùa xuân mới, xua tan cái u ám xám xịt của mùa đông. Tôi trở lại trường sau nhiều năm tháng xa cách với một cảm xúc “quen” mà “lạ”. “Quen” bởi nơi đó mình đã gắn bó gần 30 năm, “lạ” bởi vì thấy trường đổi thay nhiều quá, cả vật chất cơ sở và tinh thần con người. Ba dãy phòng học cao tầng cùng khu nhà Hiệu bộ sừng sững giữa mảnh đất mà năm xưa chỉ là rừng cây bạch đàn và mía âm u. Sự hồi sinh mãnh liệt đó là do chính sách đầu tư của tỉnh nhà và sự quan tâm của sở GDĐT, là do bàn tay khối óc của thầy trò LK hôm nay.Thầy Hiệu trưởng Trần Quang Hồng là người rất trăn trở, lo lắng khi được điều động về làm quản lí một ngôi trường chất lượng cao hàng đầu của tỉnh. Tuy vậy, sau vài năm đầu thâm nhập môi trường “chuyên”, Thầy đã có những quyết sách đúng đắn và tối ưu trong trọng điểm đào tạo HS chuyên để đạt giải cao trong các kì thi HSG và ĐH. Sự quyết đoán và có bản lĩnh của người đứng đầu đã đem lại hiệu quả trên nhiều mặt. Đặc biệt là số giải QG các năm đều rất cao, mỗi năm trên 40 giải. Đặc biệt, HS – LK bây giờ có sự phát triển toàn diện hơn, không chỉ có chuyên sâu mà rất chuyên nghiệp trong việc phát triển năng lực toàn diện nhiều lĩnh vực như: KHKT, Văn Nghệ, Thể thao, diễn xuất hòa nhập cộng đồng…Trở lại trường xưa, hình như mình có thêm sức mạnh của cái tuổi “cổ lai hi”, có thêm nguồn cảm hứng về nơi mình đã từng công tác, có thêm cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến về nơi mình đã từng phơi nắng dầm sương, về nơi đã từng chia sẻ ngọt bùi với đồng nghiệp cùng trang lứa.Tạm mượn câu thơ của nhà họ Chế để bày tỏ tâm trạng người ra đi và người trở lại: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Đây không chỉ đơn giản là việc “ở” hay “đi”. Hồn cốt thấm đẫm triết lí nhân sinh đời thường rất giản dị của ý thơ là ở chỗ: Khi ta ở, sống, công tác, làm việc nơi đó thì phải sống, làm việc như thế nào để khi ta “đi” mảnh đất đó, con người nơi đó sẽ hóa thành tâm hồn. Đây là một chân lí giản dị mà chân thực, rất sâu sắc, giản dị đến mức trở thành triết lí của đời thường. Thực tế cho thấy, đời người luôn luôn đối mặt với những cuộc chia ly. Tuy nhiên, không phải cuộc chia ly nào cũng hóa thành “tâm hồn” mà có những cuộc chia li đã hóa thành “gạch”, “đá”. Bởi vì khi ở đó, anh đã sống làm việc quá tệ, không để lại một dấu ấn tốt đẹp nào. Ai đó đã từng trăn trở rằng: Con người ta có nhiều nơi để đi và đến, nhưng chỉ có một chốn để đi về. Đó chính là nơi chôn nhau cắt rốn, là mảnh đất đã trở thành máu thịt trong ta. “Vui gì hơn làm người lính đi đầu”, vinh dự là một trong những người đầu tiên đứng trên bục giảng của trường LK từ (5 – 9 – 1990), cho đến ngày buông phấn trở về theo quy luật. Đã hơn 1/3 thế kỉ, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chia li, bao nhiêu sự đổi thay, bao nhiêu cuộc ra đi của thầy cô giáo và của nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành từ mái trường này. Đó là những thầy cô giáo đã nghỉ hưu sau khi đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD ở LK. Đó là những thầy cô giáo vì nhiều lí do, hoàn cảnh khác nhau giữa đường dứt áo ra đi. Có thầy cô vì tuổi già, bệnh tật đã vĩnh viễn ra đi như thầy Hoàng Hoa Trại, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cô Thanh Vinh , cô Kim Anh, cô Bùi Dung, thầy Hữu Bàng.v.v.; Có thầy cô vì hoàn cảnh gia đình mà cũng đành chuyển đến nơi khác. Dù ở lại hay ra đi, hầu như tất cả thầy cô đều có cùng chung một tâm nguyện là mong cho nhà trường ngày càng lớn mạnh, có nhiều bước tiến xuất sắc, nổi bật để sánh vai với các trường chuyên khác trong và ngoài khu vực.
Năm nay, Lễ kỉ niệm 80 năm thành lập trường cũng là năm kỉ niệm 80 năm thành lập nước. Hai sự kiện có ý nghĩa cùng song hành. Bởi vì trường THLK là con đẻ của Cách mạng tháng Tám mùa thu 1945. Sau ngày tái lập (1990 ) đến nay (2025), trường đã có một hành trình dài 35 năm. Nghĩa là chặng đường trường đi qua đã hơn 1/3 thế kỉ. Nếu mỗi khóa THPT là 3 năm thì nhà trường đến nay đã đào tạo được 12 khóa, mỗi khóa khoảng 600 HS thì chúng ta đã có hơn 7.000 HS ra trường. Tuổi của các em từ khóa đầu tiên đến nay cũng đã trên dưới 50. Tất nhiên không phải tất cả các em đều thành danh, thành đạt trên con đường lập nghiệp, cũng có nhiều em gặp khó khan, phải bươn chải lo toan cuộc sống của mình và gia đình. Điều đáng nói là, có rất nhiều em trưởng thành, có vị trí, có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội, thế nhưng chưa một lần trở lại trường xưa, hay chưa một lần mở xem trang Webstite của trường. Có nhiều lớp, nhiều khóa tham gia hội lớp, hội khóa, hội trường trường 2 lần, 3 lần, nhưng cũng có nhiều trường hợp “ một đi không trở lại”. Có người nói: học trò có đứa “ quay lưng” , cũng có người “ngoảnh lại”, cũng là chuyện thường tình. Biết vậy, vẫn thấy đắng đót, xót xa! Đó đây, vẫn còn những hạt sạn trong một lon gạo, cũng là điều dễ hiểu của nhân tình thế thái. Ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua, có quá khứ mới có hiện tại. Quá khứ là một nền móng, là điểm tựa, là động lực cho hiện tại – tương lai. Đời người trưởng thành, không ai có thể bỏ qua trường hoc, lớp học, cấp học, không thể bỏ qua những nét chữ đầu tiên trong đời, không thể nào quên những người thầy cô đã đem lại tri thức cho mình hôm nay. Dù ít, dù nhiều, mình không thể không biết ơn người đi trước. Cha mẹ cho các em hình hài dáng vóc, nhưng Thầy Cô mới là người cho các em tri thức để mình lập thân, lập nghiệp. Cổ nhân dạy rằng: một chữ hay nửa chữ cũng nhờ Thầy. Có thấm nhuần đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” thì mỗi một chúng ta mới có được tầm nhìn của người có học có đức. Hi vọng rằng “Hội trường LK 80 năm, năm nay” là dịp tốt nhất để chúng ta về tụ họp dưới mái trường xưa để hàn huyên tâm sự, trò chuyện, để rồi cùng nhau nuối tiếc một thời giấy trắng – học trò với hoa phượng đỏ rực sân trường ngập lối em đi về, “là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Và âm vang của những tiếng lòng sẽ hòa nhịp, cất lên từ những trái tim nóng bỏng: “nếu có ước muốn trong cuộc đời này, xin hãy ước muốn cho thời gian trở lại”.
Những ngày cuối Đông 2024 và đầu Xuân 2025.