TẤM LÒNG MỘT NGƯỜI THẦY

Lượt xem:

Đọc bài viết

TẤM LÒNG MỘT NGƯỜI THẦY

                                               Tác giả Trần Đức Vinh – Giáo viên môn Ngữ văn

Ngày đầu năm mới 2025, trong cái lành lạnh còn rớt lại của mùa Đông năm cũ, tôi gặp lại Thầy Trần Văn Anh ngay tại ngôi nhà rộng rãi, khang trang của Thầy ở đường Lê Khiết, thành phố Quảng Ngãi. Với phong cách giản dị, niềm nở, chân thành và hết sức gần gũi vốn có ở Thầy, sau lời chào hỏi thân tình, Thầy hỏi tôi: anh gặp Thầy có việc gì vậy? Quả thật, với một người Thầy đã bước qua tuổi 86 mà tôi được biết từ hơn 40 năm trước – khi Thầy là phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, còn tôi là học sinh của Trường, tôi vẫn thấy bất ngờ về sự tinh ý, nhạy cảm của Thầy. Tôi thưa với Thầy về việc xin phép được trao đổi và viết bài về Thầy, nhân sự kiện hướng đến kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết. Thầy rất vui vẻ nhận lời.

Nghe tôi nhắc đến hai chữ “Lê Khiết”, gương mặt Thầy rạng rỡ, sôi nổi hẳn lên, rồi lại… trầm tư để nhớ về một thời đã qua. Thầy kể: anh biết không, năm 1989, sau khi tách tỉnh, thể theo nguyện vọng của rất nhiều Thầy, Cô giáo, cựu học sinh trường Trung học Lê Khiết liên khu V (1945 – 1954) và nhân dân trong tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định thành lập Trường PTTH Lê Khiết và Thầy là hiệu trưởng đầu tiên sau khi Trường được tái lập. Ngày 05/9/1990, dù cơ sở vật chất còn ngổn ngang, các điều kiện, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, đường đến Trường, nắng bụi vào mùa khô, bùn lầy vào mùa mưa, Trường vẫn tiến hành khai giảng năm học đầu tiên sau tái lập theo đúng lịch. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bằng sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả Thầy, Cô giáo trong hội đồng sư phạm (HĐSP) nhà trường, khóa 1 của Trường, sau 3 năm  học (1990 – 1993) đã thi đỗ tốt nghiệp 100%. Cứ thế, vừa tiến hành xây dựng, vừa từng bước phát triển qui mô trường lớp, đội ngũ, song song với việc phải đảm bảo “Dạy tốt, học tốt”, những khó khăn cũng dần được tháo gỡ, giải quyết, những con số về qui mô, kết quả giáo dục của Trường luôn tăng qua từng năm học là minh chứng đầy thuyết phục. Trường dần dần tạo được niềm tin nơi học sinh, phụ huynh, nhân dân và các cấp lãnh đạo trong tỉnh.     Những kết quả đáng trân trọng và tự hào đó, theo Thầy, một trong những thành viên đóng góp công sức tích cực nhất cùng Thầy hiệu trưởng và quý Thầy, Cô trong HĐSP là Thầy Trương Ngọc Thơi. Thầy Thơi vừa là thành viên trong ban quản lí xây dựng Trường, vừa là một Thầy giáo mẫu mực, đầy tâm huyết và trách nhiệm, giàu lòng yêu thương học sinh, tận tâm tận lực vì “sự nghiệp giáo dục” nói chung, của Trường Lê Khiết nói riêng.

Thầy Trần Văn Anh – Nguyên Hiệu trưởng (giai đoạn 1990 – 2000)

Thầy Văn Anh tâm sự: trước đây từng là học sinh miền Nam học ở các trường số 14 Hà Đông, số 19 và số 24 Hải Phòng, trường số 28 Hà Nam và trường Đông Triều, Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Vinh, Thầy đã giảng dạy ở Trường cấp 3 Gia Lộc và Nam Sách, tỉnh Hải Dương trong những năm trước 1972 với nhiều kỷ niệm của thời kháng chiến. Từ năm 1972, Thầy trở về khu V, giảng dạy các Trường Trung cấp sư phạm khu V, trường cấp 3 khu V, rồi công tác ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn – Quảng Ngãi sau năm 1972 một thời gian dài , song Trường Lê Khiết là nơi để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm nhất bởi nơi đây Thầy đã gắn bó 10 năm (1990-2000) sau cùng trong cuộc đời Nhà giáo trên cương vị hiệu trưởng. Với Thầy, làm hiệu trưởng Trường chuyên là một thử thách lớn, bởi Trường chuyên là trường trọng điểm về giáo dục hệ THPT của tỉnh. Các cấp lãnh đạo và nhân dân, phụ huynh học sinh đặt rất nhiều kỳ vọng và kỳ vọng rất cao vào kết quả giáo dục, đào tạo của Trường. Để đáp ứng kỳ vọng đó, theo Thầy, người làm hiệu trưởng, không chỉ cần có năng lực, sự khéo léo, mà trước hết phải biết lấy tình cảm để đối đãi với mọi đồng nghiệp. Bởi mỗi Thầy, Cô giáo ở một môi trường khác nhau về đây, làm thế nào để hòa đồng, gắn bó, tạo thành một tập thể sư phạm đoàn kết? Đó là điều không phải dễ dàng. Phải xem các thành viên trong HĐSP như người thân trong một gia đình. Giải quyết bài toán “thu phục nhân tâm” là điều tiên quyết để phát huy sức mạnh cá nhân, muốn vậy, người cán bộ quản lí phải biết lựa chọn, sắp xếp, phân công đúng người, đúng việc để mỗi Thầy, Cô giáo phát huy tốt nhất sở trường của mình vào công việc chung, tạo nên sức mạnh đồng thuận của tập thể để xây dựng HĐSP vững mạnh. Với các Thầy, Cô giáo hiệu trưởng kế nhiệm,  Thầy Văn Anh cũng đều chia sẻ như vậy. Thầy nói: muốn có trò giỏi, cần phải có Thầy giỏi.

Có lẽ chính từ cái “TÂM” như vậy của Thầy, mà mọi Thầy, Cô giáo trong HĐSP nhà trường đếu rất kính, quý Thầy, bởi họ nhận thấy ở Thầy tấm lòng của một người Thầy, một cán bộ quản lí, một  người đồng nghiệp rất giàu lòng yêu thương, tình cảm trong sáng, cao quý. Phải chăng chính điều đó cùng với những năm tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục nước nhà suốt 32 năm của Thầy, mà Thầy đã vinh dự được nhận danh hiệu cao quý: “NHÀ GIÁO ƯU TÚ” vào năm 1998.

Năm 2000, Thầy nhận quyết định nghỉ hưu, dẫu vậy, Thầy vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển, từng sự đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ, đặc biệt là những kết quả  cao trong bảng vàng thành tích giáo dục của Trường trong suốt gần 25 năm qua. Mỗi dịp khai giảng, ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 hay lễ tổng kết năm học hàng năm, khi nhận được giấy mời của Trường, Thầy đều sắp xếp để đến dự, phát biểu, chung vui với đồng nghiệp, học sinh, trao thưởng cho học sinh giỏi các cấp, phát học bổng.v.v. . Tôi cho đó là niềm vui, cũng là tấm lòng đáng quý của Thầy đối với ngôi trường mà Thầy đã từng công tác và gắn bó.

Thầy Trần Đức Vinh – Giáo viên Ngữ văn (từ 1993 đến nay).

      Trước khi chia tay Thầy, tôi hỏi điều mà Thầy mong muốn nhất với Trường chuyên Lê Khiết hiện nay là gì? Thầy nói: hướng đến kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết và về lâu dài, Thầy mong sao tập thể sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, gắn bó, chung sức đồng lòng trong giáo dục thế hệ trẻ, gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa trong bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, xứng đáng là trường chuyên chất lượng cao không chỉ của tỉnh, khu vực miền Trung mà còn của cả nước, để xứng danh với tên tuổi nhà chí sĩ yêu nước Lê Tựu Khiết.

                                                                                 Quảng Ngãi, đầu xuân 2025.