NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN CHÍ SĨ YÊU NƯỚC LÊ TỰU KHIẾT
Lượt xem:
-
NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN
-
CHÍ SĨ YÊU NƯỚC LÊ TỰU KHIẾT
Thạc sĩ Trương Ngọc Thơi – nguyên Phó Hiệu trưởng
Ra đời ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Trường Trung học Lê Khiết là đứa con đầu lòng của nền giáo dục cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Sau 35 năm gián đoạn, năm 1990, Trường THPT Lê Khiết được tái lập, đến năm 1993 sáp nhập với Trường chuyên cấp 2, 3 Quảng Ngãi để trở thành Trường THPT chuyên Lê Khiết ngày nay.
Năm 2025 đánh dấu sự kiện quan trọng khi Trường THPT chuyên Lê Khiết vừa tròn 80 tuổi. Hành trình 80 năm xây dựng và phát triển, những ký ức, niềm tự hào xen lẫn với cảm xúc sẽ còn mãi với thời gian, là bản hùng ca về mái trường mang tên chí sĩ yêu nước Lê Tựu Khiết.
Ảnh tác giả Trương Ngọc Thơi
Ký ức và niềm tự hào về một ngôi trường
Trường Trung học Lê Khiết được thành lập vào tháng 9 năm 1945, chỉ sau mấy ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Trường mang tên chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp sát hại vào những năm đầu thế kỷ XX, có quê hương chính nơi trường thành lập. Trường ra đời với sứ mệnh của Cách mạng tháng Tám giao cho là nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, thực hiện quyền tự do được học hành của lớp thanh niên.
Từ những ngày đầu mới thành lập cũng như trong suốt 9 năm giảng dạy và học tập, Trường Trung học Lê Khiết đã trải qua bao khó khăn gian khổ, như thầy Trần Văn Thận nguyên cán bộ giảng dạy tại Trường Trung học Lê Khiết (1949 – 1955), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi (1975 – 1978), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (1978 – 1989) đã viết trong Kỷ yếu Lê Khiết từ năm 1945 đến nay: “Chỉ 9 năm trường phải dời đi 4 lần và 4 lần bị bom đạn. Nặng nhất là lần bị đánh bom ở sông Vệ. Máu của cô giáo dạy toán Trần Thị Cúc Hoa và 18 học sinh nhuộm đỏ sân trường và cả khu lớp học 30 phòng bị cháy trụi, đó là ngày 21-3-1949. Nhưng trường cháy thì dựng lại, không học được nơi này thì dời đi nơi khác, không học được ban ngày thì học ban đêm. Sống giữa lòng dân; núp bóng dưới các hàng tre, vườn dừa là các phòng học dựng tạm, là ánh sáng tù mù của đèn dầu. Thầy giảng trò học trong bóng đêm đen bao phủ khắp bốn bề. Sách vở chẳng có là bao. Xong buổi học ban đêm là ban ngày đào hầm, giúp dân sản xuất,… Học tập khó khăn đến như vậy, đi lại, sinh hoạt khó khăn cũng không kém. Vượt qua đồn bót địch, đi bộ hàng mấy trăm cây số; ăn uống hầu hết đều tự túc theo kiểu cơm niêu nước lọ, cơm ghế khoai với muối lạc, muối vừng,… Khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến thế vẫn không ngăn được học sinh khắp các tỉnh đến với trường”.
Dẫu trải qua bao “mưa bom, bão đạn” nhưng tại ngôi trường này, nhiều thế hệ nhà giáo và học sinh của trường đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý, những giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ lừng danh, những nhà hoạt động chính trị tài ba, những sĩ quan quân đội mẫu mực, những chiến sĩ dũng cảm trên các chiến trường B, C, K,… Những cống hiến của thầy trò Lê Khiết năm xưa đã được lịch sử ghi nhận và tôn vinh.
Nối tiếp truyền thống Trường Lê Khiết năm xưa
Năm tháng đã qua đi, song những trang sử của Trường Lê Khiết năm xưa vẫn còn sống mãi trong lòng các thế hệ Lê Khiết. Truyền thống của Trường Lê Khiết đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để các thế hệ Lê Khiết hôm nay và mai sau tiếp bước đi lên nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục của một ngôi trường đào tạo chất lượng cao của tỉnh Quảng Ngãi.
Trong tâm thức của Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Anh – Hiệu trưởng đầu tiên của trường không thể nào quên được những năm tháng khó khăn, gian khổ khi nhậm chức Hiệu trưởng Trường THPT Lê Khiết: “Ngày đầu mới tái lập (1990), trường chỉ có một dãy nhà B với 8 phòng học và 320 học sinh. Phòng học cũng là phòng họp Hội đồng, phòng làm việc của Ban Giám hiệu, của Tổ hành chính. Đặc biệt, con đường đến trường với bao nỗi gian truân, nhất là khi mùa mưa về thầy cô giáo phải đi đường vòng để tránh lầy lội mới mong đến trường được sạch sẽ để lên lớp giảng dạy. Và, ngày ấy, sân trường còn là gò hoang, trường học ở lẫn với nhà dân, cơ sở vạt chất còn thiếu thốn trăm bề. Thầy cô giáo vừa làm nhiệm vụ dạy học, vừa phải làm việc ngoài giờ cật lực: từ việc san nền, trồng cây xanh, trực trường, làm tạm nhà để xe bằng tranh tre, cải tạo cảnh quan môi trường sư phạm,… cho đến việc tự làm đồ dùng dạy học, tự tìm kiếm tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy,… Từ buổi đầu tái lập, chúng tôi thường nhắc nhở nhau là phải làm sao cho Trường Lê Khiết xứng đáng với tên gọi của mình, kế tục cho được truyền thống vẻ vang của Trường Trung học Lê Khiết Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp. Phải lấy sức mạnh của truyền thống làm động lực cho hiện tại”, thầy Trần Văn Anh chia sẻ.
Năm 1993, Trường Trung học Lê Khiết sáp nhập với Trường chuyên cấp II, III của tỉnh trở thành Trường THPT chuyên Lê Khiết. Từ đó đến nay, trường đã đi vào thời kỳ ổn định và khởi sắc bởi đội ngũ cán bộ quản lý được bổ sung, đội ngũ giáo viên giỏi được tăng cường và học sinh được tuyển chọn theo Quy chế trường chuyên nên chất lượng dạy học ngày càng tăng lên.
Ngày 19-1-1998, khi về thăm Trường THPT chuyên Lê Khiết, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã viết trong sổ Truyền thống của trường: “Trường Trung học Lê Khiết Liên khu V trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp là một minh chứng hùng hồn về sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đối với sự nghiệp giáo dục. Nhà trường đã đào tạo cho Tổ quốc ta nhiều nhà hoạt động lớn cả về chính trị, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật. Tôi rất xúc động về thăm Trường Lê Khiết hôm nay, được Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi xây dựng với mong muốn kế thứa lịch sử hào hùng và truyền thống tốt đẹp của Trường Lê Khiết năm xưa. Chúc quý thầy cô giáo và các thế hệ học sinh của nhà trường mãi xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó”.
Viết tiếp khúc tráng ca của Trường Trung học Lê Khiết năm xưa, trải qua 35 năm tái lập (1990 – 2025) nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành những nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nhà doanh nghiệp, nhà báo, nhà giáo, nhà quân sự, chính trị,… tài năng và đầy triển vọng ở khắp mọi miền đất nước và trên thế giới.
Tầm nhìn, sứ mệnh và kỳ vọng mới
Chặng đường 80 năm hình thành và phát triển, diện mạo của Trường THPT chuyên Lê Khiết đã có những bước tiến theo thời gian. 80 năm khép lại một chặng đường, đồng thời cũng mở ra một giai đoạn mới với một tầm nhìn, sứ mệnh và kỳ vọng mới. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tin tưởng của nhân dân tỉnh nhà cùng với trí tuệ, bản lĩnh của tập thể sư phạm và tư chất thông minh của học sinh nhà trường, những trang sử mới sẽ tiếp tục được mở ra.
Vừa nhận tấm bằng đỏ Tốt nghiệp Đại học tại Trường Đại học Sư Phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn) và được phân công về giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Lê Khiết từ ngày đầu mới tái lập (1990), nay là Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, thầy Nguyễn Tấn Huy tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được dạy dưới mái trường Lê Khiết 35 năm qua (1990 – 2025) – ngôi trường có bề dày truyền thống trong thời kháng Pháp, nay là trung tâm đào tạo chất lượng cao của tỉnh nhà. Những giá trị cốt lõi của ngôi trường đã được bao nhiêu thế hệ nhà giáo và học sinh vun đắp trong hành trình 80 năm qua, đây là nền tảng vững chắc để có một ngôi Trường THPT chuyên Lê Khiết phát triển như hôm nay. Trong những chặng đường tiếp theo, tôi luôn hy vọng và tin tưởng thầy trò nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử đã có để mái trường này trở thành điểm sáng của sự nghiệp giáo dục cả nước”.
Ảnh Khai giảng năm học 2024 – 2025
Dù thời gian công tác tại Trường THPT chuyên Lê Khiết chưa nhiều nhưng khi tìm hiểu về lịch sử 80 của trường, thầy Trần Quang Hồng – Hiệu trưởng xúc động bày tỏ: “Hôm nay, các thế hệ giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết hướng về truyền thống của một ngôi trường bằng cả trái tim và khối óc. Truyền thống ấy là nguồn động lực để thầy trò nhà trường cố gắng vươn lên, tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa, xứng đáng với sự cống hiến và hy sinh cao cả của các thế hệ nhà giáo và học sinh của Trường Lê Khiết năm xưa, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi kỳ vọng các thế hệ thầy trò Lê Khiết sẽ tô điểm, phát huy truyền thống ấy để tiếp tục làm nên dấu ấn riêng của Lê Khiết cho hôm nay và mai sau”.
Tiếp nối truyền thống Trường Trung học Lê Khiết năm xưa, thầy trò Trường THPT chuyên Lê Khiết đã, đang và sẽ tiếp tục làm rạng danh quê hương núi Ấn, sông Trà, góp phần tạo dựng một truyền thống, một thương hiệu của một ngôi trường lịch sử và tri thức suốt 80 năm qua./.
TNT