LÊ TỰU KHIẾT

Lượt xem:

Đọc bài viết

LÊ TỰU KHIẾT

                         –Khi tài năng và sự cống hiến gặp gỡ 

Là ngôi trường chuyên duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, Trường THPT Chuyên Lê Khiết đã trở thành mơ ước của nhiều học sinh trong tỉnh và cũng là nơi đào tạo ra rất nhiều hiền tài cho đất nước. Ai cũng mong muốn được khoác lên mình màu áo Lê Khiết. Vậy Lê Khiết thực sự là ai và có những ảnh hưởng gì đối với tỉnh nhà?

Ảnh: Fanpage LeKhiet News Network

Tựu Khiết là người thông minh, uyên bác, xuất thân trong một gia đình khoa bảng, đã đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định vào năm 1882. Ông nội ông là quan tri phủ Kiến An đời Gia Long – Lê Công Thiên. Cha ông là quan tuần phủ đời Thiệu Trị – Lê Văn Diễn.

Chân dung cụ Lê Tựu Khiết

Ông sinh ngày 21 tháng 6 năm Đinh Tỵ (1857) tại làng An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Lê Tựu Khiết đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình: chức Cơ mật hành tẩu, sung chức Tả trực kỳ khâm sai phái viên, Án Sát tỉnh Quảng Nam (1894), Tán lý quân vụ 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (1895), Bố chánh tỉnh Nghệ An (1896). Cũng từ chức vụ này mà ông còn có tên  gọi là Bố Khiết. Vào năm 1897, Lê Tựu Khiết từ quan trở về quê nhà.

Với vai trò là một chí sĩ yêu nước, Lê Tựu Khiết đã tham gia hoạt động trong phong trào Duy Tân, là một trong những người khởi xướng phong trào “khất thuế, cự sưu””- phong trào cách mạng rộng lớn của nhân dân Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung chống ách sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp.  Địch nhiều lần lập kế mời ông ra thương thuyết nhưng không thành

Ngày 23/4/1908 (22 tháng 3 Mậu Thân), giặc Pháp đem Lê Tựu Khiết và Nguyễn Bá Loan, Trần Chót, Nguyễn Đến ra xử chém tại bãi nam sông Trà Khúc, thuộc địa phận làng Ba La, phủ Tư Nghĩa, khép lại cuộc đời của một nhân vật kiệt xuất. Sự kiên cường, dũng cảm và tấm lòng hy sinh vì lý tưởng của vị chí sĩ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ, khiến phong trào yêu nước ở Quảng Ngãi trở nên sôi động và rộng khắp.

Lê Tựu Khiết là người có tư tưởng tiến bộ canh tân chấn hưng đất nước. Ông đã tích cực tham gia vận động mở trường dạy học, lập hiệu buôn, hội cày, cắt tóc ngắn, bài trừ hủ tục… Ông từng mở hiệu thuốc để làm cơ sở hoạt động kinh tế và cơ quan liên lạc của Nghĩa hội Duy Tân…  Ông là minh chứng về ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng quê hương. Những học trò của Lê Tựu Khiết sau này đã trở thành những chiến sĩ cách mạng, tiếp tục đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tên ông có trong quyển “Từ điển những nhân vật lịch sử” của Nhà xuất bản Văn Hoá và quyển sách “Việt Nam nghĩa liệt sĩ” của Đặng Bằng Đoàn. Hiện ở thành phố Quảng Ngãi, có con đường mang tên ông.

   Mộ Lê Tựu Khiết tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

Ảnh: Nguyễn Nhật Tân-Nghĩa Hành NTT

Trường THPT chuyên Lê Khiết tự hào mang tên cụ, không chỉ là nơi học tập mà còn là một biểu tượng sống động của sự kết hợp giữa tri thức và lý tưởng cách mạng. Tên của vị chí sĩ yêu nước Lê Tựu Khiết nhắc nhở mỗi thế hệ giáo viên – học sinh nhà trường nỗ lực không ngừng, từng bước phát triển mạnh mẽ tạo nên những dấu son rực rỡ, là niềm tự hào của quê hương núi Ấn sông Trà.

                                                Tập thể lớp 12 Văn