DẤU ẤN VỀ CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Lượt xem:
DẤU ẤN VỀ CÂU LẠC BỘ VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thạc sĩ Trương Ngọc Thơi – nguyên Phó Hiệu trưởng
Chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2025) và hướng tới kỷ niệm 80 thành lập Trường THPT chuyên Lê Khiết (1945 – 2025), tối ngày 9 tháng 2 năm 2025, tại Nhà Văn hóa Lao động Quảng Ngãi, Tổ Ngữ văn phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Văn nghệ nhà trường tổ chức Câu lạc bộ với chủ đề Văn học và Cách mạng. Chương trình đã giới thiệu 20 tiết mục với nhiều thể loại, như hát múa, vũ điệu, hoạt cảnh,… nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; giới thiệu một số tác phẩm văn học cách mạng và những bài ca đi cùng năm tháng,… do học sinh các lớp, chủ lực là các khối lớp chuyên Văn biểu diễn. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, khách mời, thầy cô giáo và đông đảo cha mẹ học sinh, cùng toàn thể học sinh nhà trường đến dự xem, hỗ trợ và cổ vũ.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những tác phẩm âm nhạc về Đảng, về Bác thường được khắp nơi ca hát. Vì vậy, mở đầu chương trình là nhạc phẩm Đảng đã cho ta một mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát được trình bày qua giọng ca của thầy giáo trẻ trung, xinh xắn Bùi Tấn Lâm và đội văn nghệ nhà trường múa phụ họa. Khi giọng ca cất lên khiến khán giả cảm thấy xao xuyến, bồi hồi về một mùa xuân mới với niệm tin yêu và hy vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai đất nước.
Cũng với chủ đề về Đảng, nhạc sĩ quân đội Văn An đã thể hiện linh hồn của Đảng qua lá cờ là Đảng, một hình tượng cụ thể. Chọn hình tượng này, tác giả có điều kiện khai thác hình ảnh búa liềm và màu đỏ thắm của lá cờ Đảng, là biểu tượng của niềm tin, ý chí sức mạnh đoàn kết và ý nghĩa của mỗi hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tác phẩm Lá cờ Đảng được trình bày qua tốp múa của tập thể 10 Toán2. Với nhịp điệu khoan thai, điệu múa đã phản ánh khá sâu sắc về màu cờ của Đảng đi liền với khúc hát: “Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin/ Trong đêm đen, lá cờ Đảng rạng soi đường đấu tranh/ Thắm máu đào, cờ Đảng hồng tươi sắc thắm máu hy sinh,…”.
Không khí đêm sinh hoạt Câu lạc bộ tiếp tục nóng lên bởi phần thi kiến thức dành cho ba đội chơi đến từ các lớp 10 Văn1, 10 Văn2, 11 Văn và khán giả, với sự dẫn dắt của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Loan tổ Ngữ Văn. Sau khi giới thiệu luật chơi, cô giáo Loan lần lượt đưa ra 20 câu hỏi (chia làm hai đợt) cho ba đội và 10 câu hỏi dành cho khán giả. Đây là sân chơi trí tuệ, với nhiều câu hỏi mở rộng kiến thức liên quan đến Văn học và Lịch sử. Mỗi câu hỏi được chuẩn bị kỹ các gợi ý để dẫn dắt các đội chơi và khán giả trả lời. Vì vậy, các đội chơi cũng như khán giả đã trả lời gần như trọn vẹn, chính xác những câu hỏi ấy. Mỗi lần trả lời đúng câu hỏi, các đội chơi và khán giả nhận ngay phần thưởng cao quý, đó là những tràn pháo tay ầm vang làm Nhà Văn hóa Lao động nóng lên, xua tan bớt cơn giá lạnh vẫn còn đọng lại ở Xuân Ất Tỵ – 2025.
Nối tiếp những cảm hứng về Đảng, về quê hương, về đất nước là tiết mục ghi dấu về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Lấy ý tưởng từ bài thơ Nam quốc sơn hà, tập thể 12 Anh1 đã tạo nên không khí sôi động và hào hứng thể hiện lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Mở đầu tiết mục là những câu hò: “Chông này gìn giữ non sông/ Chông này góp sức diệt quân bạo tàn”. Tiếp đến là những điệu nhảy trên nền nhạc rock ballad và theo lời bài thơ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Với cách mashup sáng tạo, tiết mục Nam quốc sơn hà khơi gợi cho khán giả tinh thần và ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Đồng thời gợi nhắc thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông.
Sau những màn trình diễn về khúc tráng ca của dân tộc, vẫn còn đó những niềm tự hào được biểu diễn bởi đội 11 Văn qua việc sân khấu hóa bài thơ Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên. Bằng cách diễn ngôn, đọc thơ và hoạt cảnh, đội 11 Văn đã vẽ nên bức tranh về thực trạng đất nước trong đêm trường nô lệ và điều kiện gian nan của Bác Hồ trong hành trình dài tìm đường cứu nước. Đồng thời mô tả khá rõ nét tâm trạng xúc động, vui mừng và hạnh phúc khi Bác bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương đã mở ra con đường cho dân tộc Việt Nam đấu tranh giành độc lập tự do. Sau khi bắt gặp Luận cương Lênin, Bác tiếp tục hoạt động “đưa đưa Luận cương về đất Việt” để rồi tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945; trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Hoạt cảnh kết thúc với hai ca khúc hùng tráng: Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Đất nước trọn niền vui của nhạc sĩ Hoàng Hà.
Với cách diễn xuất đầy cảm động nên khi các dòng thơ ngân lên hòa cùng hoạt cảnh sâu lắng đã làm cho khán giả lặng phắc khi nghe và nhìn sự khơi gợi trạng thái xúc động về tình cảm, về công lao trời biển của Bác đối với đất nước, dân tộc.
(Tiết mục Người đi tìm hình của nước – 11Văn. Nguồn baoquangngai.vn)
Tiếp nối những cảm xúc về tháng năm lịch sử đau thương nhưng oai hùng là tiết mục mashup Hào khí Việt Nam – Đất Việt tiếng vọng ngàn đời[1]. Trên nền nhạc hào sảng Hào khí Việt Nam và Đất Việt – tiếng vọng ngàn đời, tập thể 10 Toán2 với các động tác uyển chuyển, khéo léo, mạnh mẽ đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Màn biểu diễn kết thúc bằng tiếng hò reo, cỗ vũ và tiếng pháo tay không dứt của người xem bởi điểm nhấn của điệp khúc: “Người Việt Nam, dân Việt Nam, đất nước Việt Nam/ Người Việt Nam, dân Việt Nam, đất nước Việt Nam”.
Sự kết hợp hai ca khúc tạo nên mashup như vậy làm cho tiết mục thể hiện sự hòa quyện, hòa hợp và thấu cảm giữa hai chủ đề, phù hợp với âm nhạc đương đại, được giới trẻ rất ham mộ, và dĩ nhiên giới già cũng ham mộ không kém, vì giới già và trẻ đều có chung một tuổi trẻ.
Và một ca khúc viết về mẹ nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đó là nhạc phẩm Mẹ yêu con được đội 12 Văn biểu diễn bằng hình thức hát múa. Bài hát thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con. Qua diễn xuất của đội 12 Văn, hình ảnh người mẹ gánh nước, đi cấy dưới nắng trưa hè cho thấy sự vất vả và hy sinh thầm lặng của mẹ để lo cho cuộc sống của con.
(Tiết mục Mẹ yêu con – 12 Văn. Nguồn: baoquangngai.vn)
Mẹ yêu con còn là ca khúc về tình đất nước thông qua tình mẫu tử; là sự tái hiện về tình mẫu tử của người mẹ Việt Nam, người mẹ Tổ quốc đối với lớp lớp những đứa con ra trận. Lời ru của người mẹ ấy được minh họa trong cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, và kết cục là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 toàn thắng. Bên cạnh niềm vui của ngày đại thắng là hình ảnh người mẹ ôm ấp quan tài của đứa con hy sinh làm cho khán giả rơi lệ cùng những giọt lệ của diễn viên Bùi Phạm Khánh Trâm (12 Văn) trong vai người mẹ. Quả thật, đây được xem lời ru có máu, viết bằng máu của dân tộc. Vì vậy, tiết mục vừa diễn xong làm cho trái tim của hàng ngàn khán giả rung lên và một tràn pháo tay dài biểu thị sự khen ngợi.
Tiếp tục phần sân khấu hóa là sự thể hiện của đội 10 Văn1, với hoạt cảnh: Bên kia sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm. Từ tiếng sáo thổi hòa với hoạt cảnh mở màn thấm thiết, đến giọng đọc thơ truyền cảm đã đưa khán giả thấu cảm được hai trạng thái cảm xúc: niềm tự hào về truyền thống lâu đời và vẻ đẹp trù phú của vùng Kinh Bắc có “lúa nếp thơm nồng”, “tranh Đông Hồ”,… với những lễ hội chùa chiền, lăng tẩm; và nỗi đau khi quê hương bị giặc tàn phá, đang quằn quại dưới gót giày xâm lược của giặc Pháp.
(Tiết mục Bên kia sống Đuống – 10Văn 1. Nguồn: baoquangngai.vn)
Đoạn cuối của hoạt cảnh là sự trở về nguyên vẹn trong niềm vui lan tỏa giữa ngày hội non sông làm cho thi phẩm đã vượt qua ra khỏi giới hạn nỗi nhớ, tình yêu và niềm tự hào về một vùng đất, trở thành biểu tượng về niềm tin, sự gắn bó máu thịt và ước vọng mãnh liệt của đất nước, nhân dân,… Tiết mục được dàn dựng công phu và phần trình diễn gây xúc động đã tạo ấn tượng trong lòng mỗi khán giả về tình yêu quê hương đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam.
Đan xen giữa hai phần sân khấu hóa là ca khúc Tự nguyện, một sáng tác của Trương Quốc Khánh qua tiếng hát của Bảo Thuyên lớp 10 Sử và phần vũ đạo của tập thể 12C1. Đây là tiết mục kết hợp hài hòa giữa nghe và nhìn, mang đến cho người xem sự thông hiểu và cảm xúc về một nét mới của nghệ thuật sân khấu. Nhờ vậy, Bảo Thuyên và tập thể 12 C1 đã mang đến cho khán giả những giai điệu tự hào, sâu lắng nhưng đầy khí thế, khắc họa tinh thần sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc. Đây không chỉ là tác phẩm âm nhạc mà còn là khát vọng và lý tưởng của tuổi trẻ trên chặng đường đi cùng đất nước.
Quay lại phần sân khấu hóa của đội 10 Văn2 với tác phẩm Tự hào đất nước tôi của nhạc sĩ Võ Quang Đảm, là một ca khúc mang đậm tình thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Với sự diễn đọc của đôi nam nữ kết hợp với hoạt cảnh và hát múa đầy sáng tạo, giàu tính nghệ thuật đã tạo nên phần trình diễn đặc sắc với nhiều cung bậc cảm xúc mang đến cho khán giả giai điệu hào hùng về đất nước Việt Nam, đất nước của ca dao, thần thoại; đất nước của những vất vả, lầm than; đất nước của những tháng năm đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng là đất nước kiên dũng đấu tranh giành độc lập và hòa bình cho dân tộc; và cũng là đất nước của niềm tin và khát vọng tương lai đang từng ngày lớn lên, bừng cháy trong tinh thần dân tộc, khí thế tuổi trẻ,… Vì vậy, tiết mục mang đến thế hệ trẻ niềm tin và khát vọng trong sự vươn tới tương lai.
(Tiết mục Tự hào đất nước tôi – 10Văn2. Nguồn: baoquangngai.vn)
Và mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống, không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện sự tinh tế, tâm huyết, khí phách và tâm hồn của người Việt. Đặc biệt, trong mỗi chặng đường xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tâm thế chủ động, tích cực, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ của thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Hai điệu múa của tập thể 10 Sử và 12 Anh2 thực hiện với chủ đề: Thư pháp và Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ đã thể hiện được điều đó. Với cách thể hiện theo hướng mashup đã đưa tác phẩm lên một giai tầng mới, phản ánh nét độc đáo tinh hoa văn hóa dân tộc. Những giai điệu vừa hào khí, vừa uyển chuyển đã khơi gợi tinh thần cách mạng và lòng yêu nước trong mỗi thanh niên Việt Nam. Và truyền cảm hứng về tinh thần xung kích, sáng tạo của thế hệ thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Kết thúc phần biểu diễn tiết mục Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ là phút lắng đọng lời dạy của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu là hoa hãy là loài hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản”.
Cũng trong đêm sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học và Cách mạng có sự đóng góp của cựu học sinh khóa 3 với tiết mục tự sáng tác, đó là bài hát Ngày hôm qua. Qua lời ca của nhạc sĩ Đào Nhật Nam đã gửi đến thầy cô giáo sự tri ân, đồng thời ca ngợi mái Trường Lê Khiết trong sự nghiệp trồng người. Đây là một ca khúc dạt dào tình cảm và bằng lời ca của chính tác giả đã góp phần động viên các thế hệ học sinh tiếp tục phấn đấu để xứng đáng là học sinh dưới mái Trường THPT chuyên Lê Khiết đã có bề dày truyền thống dạy và học.
Tiếp theo là tiết mục múa Tôi yêu Việt Nam được thực hiện bởi tập thể 10 Anh2, với lối mashup nhiều giai điệu đã tạo ra một tác phẩm mới, làm cho tiết mục không chỉ thể hiện truyền thống dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Mở đầu là lời hịch: “Non sông gấm vóc muôn đời/ Lạc Hồng con cháu rạng ngời sử xanh,…”. Rồi điệu múa cứ lần lượt theo các giai điệu của thư pháp nét chữ cong; của hình ảnh và sinh hoạt văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số; của những tà áo dài cùng chiếc nón lá của người Kinh. Tất cả đã phản ánh nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam “đa dạng trong thống nhất”. Tiết mục được dàn dựng rất công phu, giai điệu phong phú và đa dạng đã khắc họa rõ nét tình cảm của người Việt Nam đối với quê hương, đất nước và đối với truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 2023), nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự: Chúng ta đang may mắn được sống trong thời bình, may mắn đủ đầy mọi thứ, bình an không khói lửa chiến tranh. Thế nên, càng phải trân trọng những gì đang có, biết ơn những gì đã qua, những người đã ngã xuống,… Nhằm chuyển tải những khát vọng lớn lao ấy, tiết mục hát múa đặc sắc được mashup gồm: Viết tiếp câu chuyện hòa bình, Trường Sa ca và Gửi hồn sông núi.
Tiết mục hát múa Viết tiếp câu chuyện hòa bình được tập thể 10 Hóa chuyển thể bằng những điệu múa phù hợp với chủ đề hòa bình. Lời ca và điệu múa hòa quyện vào nhau khắc họa rõ nét khát vọng hòa bình của người Việt Nam, đặc biệt là đoạn kết: “Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ/ Tung bay phất phới” lặp đi lặp lại nhiều lần đã phản ánh cuộc sống thanh bình, yên vui sau chiến tranh. Cuối cùng là động tác thả chim bồ câu, một biểu tượng của hòa bình đã làm cho hàng ngàn khán giả hồi hộp khi hướng về sân khấu, bởi bồ câu nghỉ giải lao một lúc rồi mới tung bay.
Về chủ đề Trường Sa ca, được Bảo Nhi và Trường Sơn cùng tốp múa của đội văn nghệ nhà trường diễn tả những vất vả, khó khăn của người lính đảo, sự hy sinh cái riêng để làm nhiệm vụ chung là bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Kết cấu âm hưởng với giai điệu và lời ca như tâm tình, tha thiết, giản dị, phảng phất chất dân ca, phản ánh chân thành tình cảm của chiến sĩ nơi tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc, đã mang đến cho khán giả niềm tin về công cuộc bảo về chủ quyển biển, đảo của các chiến sĩ Trường Sa. Đặc biệt là giai điệu: “Tôi mang dòng máu nóng giữ thắm màu cờ Tổ quốc/ Đất nước Việt Nam là của chúng ta lưu danh cùng thời gian”.
Gửi hồn sông núi, mở đầu bằng câu hò sâu lắng, rồi điệu nhạc ngân lên gắn liền với điệu múa rộn ràng của tập thể 12 Hóa phản ánh những nét nổi bật về các sự kiện lịch sử hào hùng trong công cuộc đấu tranh của con người Quảng Ngãi. Thật dung dị khi các diễn viên biết kết hợp giữa làn điệu dân ca và khúc nhạc hùng tráng với điệu múa sôi động, mạnh mẽ đã nói lên hồn thiêng sông núi của Quảng Ngãi, nơi “Đất mẹ anh hùng”.
Kết thúc chương trình với hai tiết mục sôi động do Câu lạc bộ Guirta và Câu lạc bộ Dance của trường biểu diễn. Câu lạc bộ Guirta đệm đàn cho ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình. Câu lạc bộ Dance với những bước nhảy hiện đại trên nền ca khúc Cô giái mở đường. Hai câu lạc bộ đã làm nóng sân khấu và làm ấm lòng khán giả trước khi ra về.
Chương trình Câu lạc bộ Văn học và Cách mạng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng quý vị đại biểu, quý thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và học sinh toàn trường, bởi cách điều hành sân khấu rất hợp lý và linh hoạt của tổ Ngữ văn; bởi chương trình được dàn dựng công phu, tài năng diễn xuất và sự khéo léo kết hợp đa dạng các thể loại văn học và nghệ thuật của các em học sinh; bởi sự đa dạng của các tiết mục âm nhạc: có tiết mục biểu diễn theo lối bán cổ điển, có tiết mục theo lối hơi hướng rock ballad, có tiết mục lại nhẹ nhàng tình cảm như pop (nhạc đại chúng); bởi hầu hết các tiết mục đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghe và nhìn – một phong cách mới của sân khấu giúp khán giả vừa vui tai, vừa mãn nhãn; bởi sự sáng tạo của một số mashup, được tạo ra bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều ca khúc; và bởi chương trình biết lựa chọn những tác phẩm thơ, nhạc của những tác giả nổi tiếng và biết chọn những diễn viên xuất sắc để biểu diễn,…
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học và Cách mạng được đánh giá là thành công hơn mong đợi, nhờ sự quan tâm rất mực của lãnh đạo và sự hỗ trợ của Hội đồng Sư phạm nhà trường; nhờ sự đầu tư và lo lắng ngày đêm của những thành viên tổ Ngữ Văn, nhất là thầy tổ trưởng Nguyễn Tấn Huy; nhờ chọn cử Ban Giám khảo có năng lực, trung thực và khách quan; nhờ sự chung tay của Đoàn trường và Đội văn nghệ nhà trường; đặc biệt nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các bậc cha mẹ học sinh và sự nhiệt huyết cùng tài năng của học sinh nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Kim Sương, MC chương trình tỏ lời khen ngợi: “Các em học sinh Trường Lê Khiết không những giỏi chữ mà còn tài năng và nhiệt huyết thì mãnh liệt. Chương trình thành công rực rỡ nhờ công sức to lớn của các em, của tuổi trẻ Lê Khiết. Quá xúc động!”./.
Ghi chú: Bài viết hơi dài vì phải mô tả hết các tiết mục của học sinh, cũng vì thế mà không thể đăng tải hình ảnh của tất cả các tiết mục. Mong quý thầy cô và các em thông cảm.
[1]. Mashup với nhiều tác phẩm không giới thiệu tác giả.