TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT – NƠI CHẮP CÁNH CỦA NHIỀU NHẠC SĨ TÀI HOA
Lượt xem:
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT – NƠI CHẮP CÁNH CỦA NHIỀU NHẠC SĨ TÀI HOA
Nhóm tác giả: Tập thể 12 Văn – K33
NHẠC SĨ PHAN HUỲNH ĐIỂU – NGƯỜI VIẾT NHỮNG BẢN TÌNH CA NGỌT NGÀO
Ảnh: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam trong thế kỉ XX và được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ngoài ra, ông còn có các Huân chương như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là cha đẻ của các ca khúc nổi tiếng như: Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ-nia, Ở hai đầu nỗi nhớ, Anh ở đầu sông em cuối sông, Nhớ ơn Bác,…
Ảnh: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong đêm nhạc “Phan Huỳnh Điểu 90 – Cuộc đời vẫn đẹp sao”.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phan Huỳnh Điểu đưa gia đình vào vùng tự do Quảng Ngãi. Ông vào dạy nhạc ở Trường Trung học kháng chiến Lê Khiết. Năm 1948, trường bị Pháp dội bom, học sinh chết 19 người. Phan Huỳnh Điểu xung phong đi bộ đội. Vào những năm 1950, 1951 ông lại trở về công tác ở Chi hội văn nghệ Khu 5. Người ta thường gặp một người trẻ tuổi, gầy gò vừa lo chạy gạo nuôi sống gia đình vừa hăng hái sáng tác.
Từ năm 1964 đến 1970, ông công tác tại chiến trường Tây Nguyên và miền Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong thời gian này, ông sống cùng bà con Tây Nguyên, thấm nhuần văn hóa địa phương, và sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian. Dù quê gốc ở Quảng Nam, nhưng những trải nghiệm tại Quảng Ngãi đã góp phần hình thành phong cách sáng tác của ông. Các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu thường mang âm hưởng dân ca xứ Quảng, thể hiện tình yêu sâu đậm với miền Trung.
Với những thành tựu cùng sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật nước nhà, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã mang lại nguồn động lực mạnh mẽ cho các thế hệ giáo viên, học sinh trường THPT Chuyên Lê Khiết trong sự nghiệp giảng dạy và học tập.
NHẠC SĨ TRƯƠNG QUANG LỤC – NHỮNG BÀI CA MANG ĐẾN “THANH XUÂN” CHO CUỘC ĐỜI
Nhạc sĩ Trương Quang Lục là cựu học sinh trường Trung học Lê Khiết giai đoạn 1945 – 1950. Ông là một nhạc sĩ tài hoa, có uy tín trên lĩnh vực sáng tác với khối lượng đồ sộ và đa dạng chủ đề. Bài hát “Trái Đất này của chúng em”, phổ thơ Nguyễn Biểu đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc hòa bình cho thiếu nhi do UNICEF tổ chức năm 1979. Giải thưởng đã khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ Trương Quang Lục trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, ca khúc còn được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Hoa và được trình diễn tại nhiều quốc gia. Trong suốt 70 năm gắn bó cùng âm nhạc, ông đã nhận được nhiều giải thưởng tôn vinh những đóng góp tích cực của ông trong nền âm nhạc nước nhà. Ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều huy chương, giải thưởng khác.
Ảnh: Nhạc sĩ Trương Quang Lục cùng các giải thưởng của mình (góc trái).
Theo lời kể của nhạc sĩ Trương Quang Lục, từ những năm học cấp 1,2, ông đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc. Song, đến những năm cấp 3, những sáng tác âm nhạc của ông mới may mắn được bạn bè trong trường Trung học Lê Khiết (nay là trường THPT Chuyên Lê Khiết) biết đến, yêu thích và ngân nga hát. Cũng vào năm 17 tuổi, ông có được cho mình ca khúc “Hoa xuân đất nước” để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng. Sau đó là những đóng góp liên tục và đầy nỗ lực của nhạc sĩ với những bài ca đi cùng năm tháng như: “Chuyến tàu trắng”, “Bảo vệ hòa bình”, “Nắng tươi”,… Và khi quay về mái trường xưa với những kỷ niệm thanh xuân đáng nhớ, nhạc sĩ Trương Quang Lục đã viết bài hát “Tự hào Trường Lê Khiết chúng ta” với những ca từ tha thiết và đầy tự hào. Hiện nay, ca khúc luôn được trình diễn trong các dịp lễ quan trọng và được đông đảo giáo viên, học sinh trường THPT Chuyên Lê Khiết yêu thích.
Ảnh: Nhạc sĩ Trương Quang Lục quay về thăm trường THPT Chuyên Lê Khiết (xưa là trường Phổ thông cấp 2-3 Lê Khiết)
Trải qua nhiều cột mốc lớn của cuộc đời mình, đến năm 1970 nhạc sĩ Trương Quang Lục có dịp sáng tác về quê hương mình. Trước lịch sử đấu tranh hào hùng, cùng tình cảm dành cho nơi chôn nhau cắt rốn, ông đã sáng tác ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”. Ông sử dụng câu từ dung dị, hình ảnh gần gũi, cùng giai điệu ngọt ngào của điệu hò xứ Quảng. Chính vì thế, ngay khi mới ra đời, bài hát đã được đông đảo người dân Quảng Ngãi yêu thích, xem như sử ca của quê hương mình. Với tình cảm tha thiết, tự hào, bài hát đã được dùng làm nhạc hiệu của đài phát thanh và sau đó là đài truyền hình tỉnh Quảng Ngãi.
Hành trình âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục là hành trình của một tâm hồn trong trẻo, chan chứa tình yêu thương và không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng, như con ong cần mẫn làm mật cho đời. Và ông là một minh chứng sống cho ý niệm: “Thanh xuân là chính tâm hồn mình”. Và tâm hồn thanh xuân ấy không chỉ là người bạn lớn của những khán giả yêu nhạc mà còn là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và các thế hệ thầy, trò trường THPT Chuyên Lê Khiết.
NHẠC SĨ THẾ BẢO – NGƯỜI GÌN GIỮ VẺ ĐẸP CỦA KÝ ỨC
Ảnh: Nhạc sĩ Thế Bảo gửi gắm 12 tác phẩm chọn lọc viết về người lính trong chương trình “Thế Bảo và bài ca người lính”.
PGS.TS, nhạc sĩ Thế Bảo từng theo học tại Trường Trung học Lê Khiết đầu những năm thập niên 1950, một ngôi trường danh tiếng ở Quảng Ngãi – nơi đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Ông là em trai của nhà thơ Tế Hanh. Ông từng được tín nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều khóa. Đồng thời, ông cũng từng giữ vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Sóng Nhạc và vị trí Phó tổng Biên tập Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam.
Ông được biết đến như một tác giả dành nhiều tình cảm cho quê hương Quảng Ngãi và dòng sông Trà. Ông tên đầy đủ là Trần Thế Bảo, sinh ngày 22/8/1937 tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong thời gian học tập tại Trường Lê Khiết, Trần Thế Bảo đã thể hiện niềm đam mê âm nhạc và tham gia tích cực vào các hoạt động văn nghệ của trường. Ông thường biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, góp phần tạo nên không khí sôi nổi và gắn kết giữa học sinh. Những hoạt động này không chỉ giúp ông rèn luyện kỹ năng âm nhạc mà còn khơi dậy tình yêu sâu sắc với nghệ thuật
Những năm tháng dưới mái trường Lê Khiết đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và sự nghiệp của ông, giúp ông hình thành những quan niệm nghệ thuật và phương pháp sáng tác độc đáo. Nhạc sĩ Thế Bảo không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa mà còn là một nhà giáo mẫu mực và nhà nghiên cứu uy tín. Với ông, âm nhạc là cầu nối giáo dục với trẻ em. Những bài hát thiếu nhi như “Ngỗng ăn chay”, “Khế chín vàng” mang đến những thông điệp giản dị nhưng ý nghĩa, hướng các em đến tình yêu thiên nhiên và các giá trị nhân văn. Bên cạnh đó ông có các công trình nghiên cứu to lớn như: Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam (giải nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2011); Cảm nhận Mỹ học (giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2013); Lịch sử âm nhạc Việt Nam (giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017)… đã trở thành tài liệu quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc học. Ông dành cả cuộc đời để truyền đạt kiến thức và đam mê âm nhạc cho thế hệ trẻ. Với ông, âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách để kết nối con người với lịch sử, văn hóa và trách nhiệm xã hội. Chú trọng bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, coi đây là nền tảng để xây dựng âm nhạc hiện đại cũng là điều ông vô cùng tuân thủ.
Ảnh: Nhạc sĩ Thế Bảo được trao tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2017.
Trường THPT chuyên Lê Khiết, với bề dày lịch sử và truyền thống, đã và đang tiếp tục là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng, đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục và văn hóa Việt Nam. Với những thành tựu và tư duy nghệ thuật tiến bộ của mình, nhạc sĩ Thế Bảo đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nói chung, những thế hệ đã và đang trưởng thành dưới mái trường trung học phổ thông Chuyên Lê Khiết nói riêng, về một tấm gương đầy tâm huyết với âm nhạc và tình yêu quê hương đất nước./.\