LÊ KHIẾT MÃI MỘT TÌNH YÊU.

Lượt xem:

Đọc bài viết

LÊ KHIẾT MÃI MỘT TÌNH YÊU

                                ThS Lý Thị Phương Thảo – Giáo viên môn Ngữ văn

1.TRÚNG TUYỂN

Là một học sinh trường quê (trường tiểu học Tịnh Ấn Tây nơi tôi học cấp 1 ngày ấy thuộc huyện Sơn Tịnh) nhưng được cái may mắn là sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên nên mơ ước trở thành giáo viên giống như mẹ ăn sâu trong máu ngay từ những ngày thơ ấu cắp sách đến trường. Phần vì áp lực con giáo viên, phần quan trọng hơn vì lời hứa sẽ được thưởng mỗi ngày ba ngàn của ngoại tôi (được cộng lại nhận một lần cuối tuần về quê ngoại) nên tôi rất chi là chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Không biết vì cố gắng, hay vì món quà thưởng hấp dẫn quá mà suốt mấy năm tiểu học tôi đều là học sinh xuất sắc. Và nhờ chút thành tích tích góp năm năm tiểu học ấy mà tôi mới có một tấm vé xét tuyển thẳng vào trường chuyên Văn Toán. Nhưng cơ hội để tôi đến được với cổng ngõ ngôi nhà chuyên Văn Toán không thể không nhớ ơn người thầy bồi dưỡng ước mơ vươn xa, mạnh dạn bứt phá “vùng an toàn” của những đứa trẻ nhà quê như tôi. Thầy tôi đã mãi mãi về bên kia thế giới an lạc của Người nhưng với tôi bước đầu thành công ở mái trường chuyên Lê Khiết hôm nay phần lớn là công lao của Người. Với đứa trẻ trường quê lớn lên với bùn lầy, rơm rạ, tuổi thơ bay theo những cánh diều và những buổi trưa không ngủ dang nắng cắt cỏ thuê, tôi nào đâu có biết đến trường chuyên là gì. Vậy mà thầy đã gieo vào lòng tôi một niềm tin mãnh liệt vào những giấc mơ sẽ luôn trở thành sự thật nếu biết chịu khó vươn lên. Thầy bồi dưỡng tôi học văn và toán, rồi nào thi huyện, thi tỉnh. “Chịu khó vươn lên” luôn mang theo lời thầy làm hành trang và cuối cùng hồ sơ của tôi cũng cho tôi một xuất vào thẳng trường chuyên Văn Toán mà không phải thi tuyển như nhiều bạn cùng trang lứa khác.

2. SANG TRANG

Chính thức trở thành học sinh trường chuyên Văn Toán năm 1991. Tôi được nhà trường bố trí vào học lớp 6C – đó là lớp học toàn những bậc kì tài của các huyện và thị xã. Hơi choáng ngợp những ngày đầu bỡ ngỡ, các bạn ở thị xã cao lớn phổng phao và học giỏi ơi là giỏi, còn mình thì “ếch ngồi đáy giếng” quá làm tôi cũng có lúc suy nghĩ thoái lui. Tôi có về tâm sự với mẹ hay là mẹ cho con về lại trường quê học có bạn có bè cho vui, chứ trường chuyên nhiều bạn lạ và thấy mình nhỏ bé giữa đám đông xa lạ. Nhưng mẹ tôi nào có nghe tiếng gọi khẩn thiết của một đứa con nít như tôi bao giờ, công việc và em nhỏ bắt mẹ tôi phải luôn bận bịu và rồi không biết tỏ lời như nào với tôi nên lại đi tỉ tê việc tôi đòi bỏ trường chuyên về quê, chắc mẹ tôi có lí do vì mẹ biết thầy là người đầy quyền lực đối với tôi. Và ý định chuyển trường của tôi hoàn toàn thất bại bởi một bài ru thắm thiết của thầy rằng muốn trở thành cô giáo giỏi thì chỉ có viết tiếp ước mơ ở trường chuyên mà thôi. Và tôi đã từ bỏ ý định trẻ con ấy để kiên định với mục tiêu và kì vọng của những người đáng kính trong đời tôi tới cùng.

3. MỤC TIÊU

Tiếp tục ở lại trường chuyên đồng nghĩa với việc chiến đấu không chịu khuất phục với lượng kiến thức vừa nhiều vừa khó. Tự thấy mình nhỏ bé và hạn hẹp giữa đám đông nhân tài như lá mùa thu ở ngôi trường ấy mà tôi đã không ngại nắng mưa lội hơn 7 km từ nhà tới trường bằng chiếc xe đạp cà tàng, quyết theo thầy, cô, bạn bè để thu thập thêm kiến thức, bổ khuyết cả phần tự ti nhà quê trước đó. Sau một học kì học ở trường chuyên, chúng tôi được thử “cảm giác mạnh” bằng một kì sát hạch gay go. Nếu học sinh nào không đủ điểm ở lại lớp chọn hoặc sẽ chuyển lớp hoặc sẽ về quê. Đã có lúc tôi khao khát mãnh liệt được về quê nhưng sao những giờ khắc này tôi không hiểu sao tinh thần quyết chiến lại mạnh mẽ, mãnh liệt đến thế. Tôi có thề với nhỏ bạn thân rằng nếu tôi không đạt kì sát hạch này tôi sẽ về thẳng quê chứ không qua lớp khác. Chưa lúc nào tôi lại lo lắng và sợ hãi bị trượt khỏi lớp chọn như lúc này. Chắc do quá lo lắng và sợ “về quê” một cách quê độ (do những đứa bạn tôi ở quê biết tôi đang chuẩn bị sát hạch nên chúng nó ra điều kiện nếu tôi không qua được lần này thì coi như “bị đuổi” về quê và cho tôi lập “ốc đảo” của riêng mình). Thú thật tôi sợ cả hai, sợ bị đánh hỏng và sợ cả sự “quê độ” với chúng bạn. Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười. Quả thật, hạnh phúc không bao giờ quay lưng với những người chân thành theo đuổi nó. Tôi đã vượt qua kì sát hạch đầu tiên ở trường và vẫn tiếp tục tại vị ở lớp 6C. Áp lực nghẹt thở nhưng  có chút hãnh diện vì không bị rớt lớp chọn. Lớp chọn 6C ngày ấy được xem như lớp chuyên toán. Tôi đã ở đấy suốt hai năm nhưng hình như cái duyên nợ với môn Văn rất lớn, đã sớm bén rễ trong tôi từ rất lâu rồi nên sang năm lớp 7, tôi đăng kí thi học sinh giỏi Văn và sau đợt thi năm ấy tôi được chuyển hẳn sang lớp 7A – tương đương lớp chuyên Văn. Quả thật là rời 7C có sụt sùi nhưng qua 7A tôi như tìm thấy đúng “đường về” của mình.

4. KHÁT VỌNG LÊN ĐƯỜNG.

Bốn năm học ở mái trường chuyên Văn Toán khá suôn sẻ, vui vẻ dù cũng rất khổ sở với những mùa thi. Tưởng cứ giữ mãi “cái sự sung sướng” ấy nhưng thình lình năm học 1994 – 1995 chúng tôi gặp phải một cú sốc nhẹ, trường chuyên Văn Toán và THPT Lê Khiết có quyết định sáp nhập thành THPT chuyên Lê Khiết, theo đó tách cấp 2 và cấp 3 ra riêng, anh chị học sinh cấp 3 được chuyển lên Lê Khiết (tọa lạc ở 112 Chu Văn An bây giờ) để học tiếp còn lứa học sinh cấp 2 được điều chuyển về THCS Trần Hưng Đạo. Các em khối lớp 6,7,8 đều phải về học ở THCS Trần Hưng Đạo. Nhưng lứa học sinh lớp 9 năm ấy của chúng tôi được trường thương và cho đi cùng các anh chị cấp 3 lên chuyên Lê Khiết học tiếp. Thế là tuổi thơ vẫn còn 1 năm dữ dội trọn vẹn dưới mái trường chuyên Lê Khiết. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chúng tôi nhanh chóng làm nữ sinh thướt tha áo dài tự hào trên đôi vai logo THPT chuyên Lê Khiết thêm 3 năm. Đó là khoảng thời gian không ít áp lực học hành, thi cử những cũng là khoảng lặng ý nghĩa nhất trong đời học sinh với những thành tích chính mình đã mang về cho trường, cho lớp. Và hành trang của những năm tháng miệt mài dưới mái trường chuyên cả cấp 2 và cấp 3 dư đủ để mình bước thẳng vào môi trường sư phạm. Hạnh phúc vỡ òa khi tốt nghiệp đại học mình được nhận về dạy tại ngôi trường yêu quý nhất và gắn bó nhất trong đời: TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ KHIẾT. Đã hơn 20 năm sống và làm việc ở trường nhưng mỗi năm học mới vẫn luôn mang đến cho mình những cảm xúc khó tả, luôn cảm giác được làm mới bởi học trò Lê Khiết luôn bắt mình phải thế. Chính các em với niềm đam mê, nhiệt huyết tận hiến đã thôi thúc những người thầy như mình không thể đứng yên với lượng kiến thức luôn nhiều, luôn mới, nhất là kiến thức chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp đòi hỏi phải cập nhật, đổi mới theo thời cuộc thường xuyên. Cảm ơn ngôi nhà Lê Khiết đã cho mình một đôi chân mạnh mẽ, một tấc lòng ấm nóng để yêu nghề và yêu đời.

Mãi biết ơn và trân quý tất cả thuộc về nơi ấy!

               Cô Lý Thị Phương Thảo cùng học sinh Nhà trường