THẦY TÔI

Lượt xem:

Đọc bài viết

THẦY TÔI

Cựu học sinh lớp chuyên văn, khóa 2003 – 2006

Gần hai mươi năm xa thầy, một chiều vô tình xem Facebook của Đài Truyền hình Quảng Ngãi, nghe giọng thầy giảng bài vang lên, chăm chú nghe đến đoạn thầy đọc đoạn thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, lòng tôi bỗng thắt lại. Bao kỉ niệm xưa cũ về thầy, về trường xưa, lớp cũ bất chợt ùa về, như mới hôm qua…

Ngày ấy, tôi 15 tuổi, rời làng quê nhỏ bé lên thị xã Quảng Ngãi học cấp ba theo sự định hướng của ba tôi. Giữa những bỡ ngỡ, tôi may mắn được thầy Huy chủ nhiệm. Năm đó, thầy còn trẻ lắm. Ấn tượng đầu tiên về thầy là dáng người nhỏ nhắn, tay xách chiếc cặp đen to. Thầy đi chiếc xe Suzuki Viva màu xanh. Thầy rất nghiêm khắc, nghiêm đến mức không đứa nào dám hó hé khi thầy bước vào lớp! Không ai dám ngáp hay nhìn ra cửa sổ khi thầy giảng bài. Không ai dám nói dối: “Thầy ơi, em quên vở ở nhà…” mỗi khi thầy kiểm tra bài cũ.

Sau ba năm gắn bó dưới sự dìu dắt của thầy, tôi mới hiểu rằng, đằng sau vẻ ngoài nghiêm khắc ấy là một trái tim ấm áp, chan chứa yêu thương. Bạn nào thiếu vở, thầy tặng vở, kể cả sổ ghi giáo án thầy cũng tặng chúng tôi.  Lớp thiếu tài liệu tham khảo, thầy đưa sách gốc cho cả lớp photo, còn dặn: “Nhớ bảo tiệm Minh Huy khâu chỉ vào nghen, cho dễ lật!”. Sự tận tâm ấy, bao giờ tôi mới quên? Nếu không có sự nghiêm khắc và yêu thương của thầy, làm sao chúng tôi đủ hành trang để mở cánh cửa đại học, làm sao có thể có được một công việc ổn định như hôm nay!

Cuốn sổ thầy tặng tôi năm lớp 10

Thầy là một giáo viên dạy Văn nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi – ba mươi tám học trò chuyên Văn (thầy hay gọi vui là “bầy nhồng”) – vừa thương vừa sợ thầy. Sợ vì sự nghiêm khắc nhất nhì trường, nhưng cũng kính phục bởi sự tận tụy và tài hoa của thầy. Sáu tiết văn mỗi tuần (chưa tính giờ bồi dưỡng), chúng tôi ngồi im phăng phắc, say mê theo từng lời giảng của thầy. Cả lớp rưng rưng xúc động khi nghe thầy đọc Tây Tiến, Việt Bắc… Từ khi nào, tình yêu văn chương, niềm say mê thơ ca, đam mê truyện ngắn đã len lỏi vào tim tôi – tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu từ chính những giờ học ấy. Có những buổi học quan trọng, lớp trưởng Thùy Dương mang máy cassette lên ghi âm bài giảng, rồi cả lớp chuyền tay nhau nghe đi nghe lại. Tối tối, tôi vừa nghe giọng thầy, vừa cẩn thận chép lại những đoạn thơ, bài bình hay vào sổ tay.

Thầy còn tổ chức những chuyến ngoại khóa trao đổi về văn chương cùng nhà thơ Thanh Thảo ở Hội văn học nghệ thuật tỉnh hay dã ngoại lên núi Thiên Ấn, xuống biển Mỹ Khê. Hai mươi năm rồi, nhưng mỗi lần thưởng thức món bánh xèo, tôi lại nhớ đến hương vị bánh xèo thầy tự tay đúc bên triền phía Nam núi Thiên Ấn. Hương vị ấy, thơm giòn và ấm áp như chính tình thầy dành cho chúng tôi – ba mươi tám con nhồng tinh nghịch.

Buổi ngoại khóa ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi năm 2004

Buổi dã ngoại ở núi Thiên Ấn, tỉnh Quảng Ngãi năm 2004

Trong vòng tay thầy, chúng tôi không chỉ học chữ, học kĩ năng sống mà còn học cách sống. Thầy thường dặn: “Không được thua con gà!” Con gà mái khi đến giai đoạn ấp trứng sẵn sàng từ bỏ ăn chơi, tập trung ấp trứng đến cùng. Còn học trò, khi đến giai đoạn nước rút thì cũng phải toàn tâm toàn ý ôn luyện, không được lơ là.

Thầy kể cho chúng tôi nghe tuổi thơ nghèo khó và những ngày đầu vất vả khi từ quê nhà Đức Phổ ra dạy ở trường Lê Khiết. Chúng tôi thương thầy đến mức viết cả thơ tặng thầy – gọi thầy là “bố”:

Bố sống mấy năm trời 

Dưới cầu thang Lê Khiết 

Với lương chẳng mấy đồng 

Chỉ dám ăn mì gói 

Chẳng dám quay xuống lớp 

Bởi quần toàn “tivi”

Tôi rời mái trường cấp ba, chia tay ba mươi bảy người bạn thân thiết, bước vào ngành Sư phạm, theo nghề giáo như thầy. Dù xa trường, xa thầy, nhưng nhờ Facebook, tôi vẫn thấy thầy gần gũi như ngày nào. Những lúc bối rối trong chuyên môn, tôi lại nhắn hỏi, thầy luôn tận tình chỉ dạy.

Giờ đây, thầy đã là một ông giáo sắp nghỉ hưu, nhưng vẫn lặng lẽ, miệt mài cống hiến cho giáo dục, nuôi dạy các con giỏi giang, thành đạt. Với tôi, thầy luôn là ngọn đuốc soi đường, là tấm gương sáng cùng cô Hữu Vương – người vợ hiền hậu, đảm đang của thầy – để tôi học theo, để tôi cố gắng mỗi ngày làm một người tử tế, một cô giáo có tâm, một người mẹ biết dạy dỗ các con nên người.

Biết ơn cuộc đời vì đã cho tôi được vào chuyên Lê Khiết, được làm học trò của thầy. Biết ơn vì có một người thầy đáng kính như thế, đã dìu dắt tôi từ những bỡ ngỡ đầu đời đến khi vững vàng tung cánh muôn phương.

Phương trời xa xôi kia, bạn có nhớ thầy, nhớ trường, nhớ lớp như tôi?

    Tác giả: Tống Thị Xuân Ba

(Cựu học sinh lớp chuyên Văn, THPT chuyên Lê Khiết, khóa 2003 – 2006, hiện là giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)